Thị trường hàng hóa
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong 7 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,8% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,6%); kim ngạch xuất khẩu đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1%; kim ngạch nhập khẩu đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6%; Cán cân thương mại duy trì trạng thái xuất siêu, với khoảng 764 triệu USD…
Theo kịch bản tăng trưởng của Bộ Công Thương, nếu chỉ số sản xuất công nghiệp quý 3 đạt 9,8%, quý 4 đạt 10,3% thì dự kiến cả năm chỉ số sản xuất công nghiệp sẽ đạt được con số 9,5%. Về xuất nhập khẩu, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu quý 3 dự kiến đạt 9,3%, dự kiến 9 tháng đạt 14,6%, quý 4 âm 3,5% thì dự kiến cả năm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 9,5%.
Về tốc độ tăng trưởng nhập khẩu nếu quý 3 đạt 7,3%, dự kiến 9 tháng 12,7%, quý 4 đạt 3,6% thì dự kiến cả năm tốc độ tăng trưởng nhập khẩu đạt 10,3%. Về cán cân thương mại, dự kiến 9 tháng xuất siêu đạt 0,74 tỷ USD, quý 4 xuất siêu đạt 0,25 tỷ USD, cả năm sẽ đạt 1 tỷ USD.
Thị trường trong nước, mức độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành quý 3 dự kiến đạt 42,7%, 9 tháng đạt 20,2%, quý 4 đạt 13,4% thì dự kiến cả năm sẽ đạt con số 18,3%. Mức độ tăng trưởng thương mại điện tử B2C quý 3 đạt 20%, 9 tháng đạt 19%, quý 4 đạt 22% thì dự kiến cả năm sẽ đạt 20%.
Để thực hiện giải pháp trọng tâm, Bộ Công Thương giao các nhiệm vụ cần thực hiện cho các đơn vị thuộc Bộ. Cụ thể, Tổng cục Quản lý thị trường cần tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá hàng hóa dịch vụ bất hợp pháp trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Cơ quan này cũng cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là trên các tuyến, địa bàn và đối với các mặt hàng trọng điểm; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định.
Cục Công nghiệp tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.
Vụ Thị trường trong nước, Văn phòng Bộ cần chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu để bảo đảm cân bằng cung cầu hàng hóa trong nước. Điều hành giá xăng dầu chủ động, kịp thời, hiệu quả; tìm kiếm các nguồn cung xăng dầu có giá ưu đãi hơn; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất xăng dầu để bảo đảm sản xuất, nguồn cung và dự trữ xăng dầu trong nước, bình ổn giá cả….
Vụ Thị trường trong nước nên thực hiện đồng bộ các giải pháp khai thông, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước gắn với tăng cường quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, đầu cơ, thao túng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, các Vụ Thị trường ngoài nước cần đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu; triển khai các giải pháp cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, 3 đơn vị này phải xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể hỗ trợ hiệp hội, doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do để mở rộng, tìm kiếm thị trường mới; tăng cường quản lý nhập khẩu, bảo đảm cán cân thương mại hài hòa, bền vững. Tăng cường nắm bắt thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường sở tại để kịp thời kiến nghị, tham mưu Chính phủ các giải pháp điều hành ngoại thương và phổ biến, hướng dẫn cho các hiệp hội, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các cơ hội thị trường nước ngoài…
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm