Thị trường hàng hóa
Do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) hợp tác triển khai đã diễn ra chiều qua 4/8 tại Hà Nội.
Hội thảo khởi động “Chương trình bệ phóng hạt nhân sáng tạo thúc đẩy kinh doanh tạo tác động xã hội” nhằm nâng cao nhận thức về Kinh doanh tạo tác động xã hội và cung cấp thông tin chi tiết về chương trình. Hội thảo được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, đã thu hút sự tham gia của gần 200 chuyên gia đến từ các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ kinh doanh; các trường đại học, trung tâm ươm tạo; các đơn vị nhà nước tham gia hỗ trợ doanh nghiệp và doanh nghiệp.
Doanh nghiệp kinh doanh bền vững, doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội và doanh nghiệp xã hội là những mô hình kinh doanh của thế kỷ 21. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) vừa đóng góp vào phát triển kinh tế, vừa tác động đến xã hội và môi trường thông qua tạo việc làm và cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho nhóm yếu thế (trẻ em, phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19...). Tuy vậy, SIB tại Việt Nam vẫn gặp rất nhiều các khó khăn, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực đầy đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm.
Tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển của SIB, cần có một hệ sinh thái toàn diện, phát triển năng lực của SIB để hỗ trợ đánh giá và mở rộng thị trường, cũng như cung cấp các nguồn tài trợ và đầu tư. Trong đó, các tổ chức hỗ trợ có vai trò quan trọng đối với các SIB. Mặc dù có nhu cầu rất cao từ phía các SIB, các tổ chức trung gian hỗ trợ SIB trong hệ sinh thái phải đối mặt với nhiều thách thức để có thể hoàn thành được vai trò của mình.
Hiện nay, cả nước có 82 cơ sở ươm tạo và cơ sở thúc đẩy cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung và 61 tổ chức đầu tư khởi nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên trong số đó, rất ít tổ chức tập trung hỗ trợ SIB và chưa có công cụ hiệu quả để đo lường tác động của SIB đối với xã hội. Ngoài ra, hầu hết các tổ chức trung gian hỗ trợ SIB là các tổ chức phi lợi nhuận, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tài trợ nên thiếu nguồn vốn và có mô hình tài chính chưa bền vững để thực hiện các mục tiêu của mình. Để phát triển hệ sinh thái SIB, xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực cho đội ngũ các chuyên gia, cố vấn là điều kiện tiên quyết.
Cùng với các bài tham luận làm rõ vai trò của các doanh nghiệp SIB, Tọa đàm về vai trò của đội ngũ hạt nhân sáng tạo thúc đẩy kinh doanh tác động xã hội diễn ra trong khuôn khổ Hội thảo. Cùng với đó, các gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp SIB tiêu biểu đã được lựa chọn giới thiệu tại triển lãm bên lề Hội thảo đã giới thiệu các sản phẩm đa dạng phong phú từ các doanh nghiệp SIB. Đáng chú ý trong đó có cả những sản phẩm tinh xảo từ các doanh nghiệp của người khuyết tật, yếu thế nhưng có vai trò đáng ghi nhận trong tạo tác động lan tỏa rộng rãi tới cộng đồng xã hội.
Dự án ISEE-COVID “Hỗ trợ hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động tại Việt Nam ứng phó với Covid-19” được tài trợ bởi Global Affairs Canada, đồng thực hiện bởi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) với mục tiêu (1) Nâng cao năng lực của các SIB, qua đó hỗ trợ các nhóm yếu thế bao gồm phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số...; (2) Nâng cao năng lực và tăng cường phối hợp giữa các tổ chức trung gian hỗ trợ SIB; (3) Tăng cường năng lực xây dựng và triển khai chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các SIB phát triển, đóng góp vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
“SIB Innovation Champion Launchpad” là chương trình nâng cao năng lực thúc đẩy kinh doanh tạo tác động xã hội dành cho các chuyên gia và cố vấn, thuộc dự án ISEE-COVID được triển khai bởi Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU - Trường Đại học Ngoại thương (FIIS). Chương trình bao gồm 3 hợp phần: Đào tạo tập trung - Bootcamp; Thực hành và đào tạo chuyên sâu - Coaching Living lab; Tổng kết - Harvest day.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm