Thị trường hàng hóa
Kết quả điều tra đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong DN do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia thực hiện năm 2018 cho thấy, có gần 78% DN không có hoạt động nghiên cứu và phát triển, chỉ 5,4% DN tiến hành đổi mới sản phẩm, và đổi mới quy trình chỉ có 10,6% DN.
Trong khi đó, tỷ lệ DN mua, thuê công nghệ, máy móc, phần mềm lên tới 69,1%. Tỷ lệ này với mua tri thức, thương hiệu là 98,1%.
Tại hội thảo “Thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa nhà sáng chế và doanh nghiệp” do Hội Sáng chế Việt Nam, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ, Làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phối hợp tổ chức trực tuyến ngày 10/9, bà Lê Thị Khánh Vân - nguyên Phó Cục trưởng Cục Thông tin KHCN, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học và khởi nghiệp (Hội Trí thức Việt Nam) đánh giá, hoạt động ĐMST trong DN Việt Nam rất đáng buồn.
Tuy nhiên, hoạt động liên kết, hợp tác giữa DN và các nhà sáng chế, nhà khoa học còn nhiều vướng mắc và cần giải quyết để đưa các sáng chế, giải pháp vào thực tiễn, phục vụ cộng đồng.
Theo PGS.TS. Trần Quốc Thắng - Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, làm thế nào để nâng cao hiệu quả liên kết giữa DN và các nhà sáng chế 1à một vấn đề không mới nhưng rất khó.
Thời gian qua, chúng ta luôn đau đáu đưa được những ý tưởng sáng tạo, công nghệ mới mà chính chúng ta là tác giả, là những nhà sáng chế để cùng DN đưa vào thực tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn có điểm nghẽn. Phải chăng hoạt động đưa sáng chế vào sản xuất còn thiếu gì đó. Có thể là đang thiếu nền tảng về cơ chế chính sách để thúc đẩy, tạo động lực các nhà khoa học, các nhà sáng chế cùng với DN thông qua các quỹ hỗ trợ cùng chịu rủi ro với DN cũng như nhà sáng chế để đưa được những ý tưởng vào thực tế. Cũng có thể chúng ta thiếu một thành tố thứ 3 giúp liên kết giữa DN và nhà sáng chế thành công hơn.
Để đưa vào các giải pháp, sáng chế vào DN sản xuất hàng loạt với sản lượng rất lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu thì lại vướng mắc. Phải chăng chứng ta đang thiếu người thiết kế công nghệ?
Hơn nữa, chúng ta liên kết với DN, chuyển giao công nghệ cho DN còn thiếu bộ phận, đơn vị, tổ chức đánh giá trình độ công nghệ, giá trị công nghệ đó để DN và nhà sáng chế đi đước cùng với nhau theo tinh thần win - win.
Đồng quan điểm, TS. Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) cho rằng, vấn đề hợp tác, liên kết giữa nhà sáng chế và DN luôn là niềm khắc khoải kỳ vọng của rất nhiều thế hệ lãnh đạo Bộ KH&CN, các hiệp hội và DN. Tuy vậy, trên thực tế lĩnh vực này còn đối mặt nhiều điểm nghẽn.
"Một trong những điểm "nghẽn" đó là nguồn lực khu vực DN, các viện, trường chưa giải phóng ra để kết hợp với nguồn lực của DN. Nhưng điểm nghẽn thứ 2, tôi cho rằng không kém phần quan trọng đó là nút thắt từ chính các nhà sáng chế, những người nghiên cứu độc lập, tự do đầy tiềm năng nhưng cũng không giải phóng được nguồn lực để kết hợp được với nguồn lực của DN và xã hội. Trong khi đó, Nhà nước có thể hỗ trợ chưa đúng, trúng, chưa hiệu quả như một số nước khác đã làm", TS. Phạm Hồng Quất nói.
Nhấn mạnh tới vấn đề cơ chế, chính sách, bà Lê Thị Khánh Vân cho biết: khung pháp lý hiện nay chưa đủ mạnh để cải thiện quan hệ giữa khoa học và công nghiệp, thậm chí một số cơ chế chậm sửa đổi tạo thêm khó khăn cho mối quan hệ này. Cho đến nay, Nhà nước chỉ có 1 kênh tương tác, cơ chế đặt hàng của các DN và thực tế cho thấy cơ chế đặt hàng chưa thực sự phát huy tác dụng.
Còn thiếu sự đảm bảo từ phía Nhà nước để quan hệ hợp tác về KH&CN nói chung diễn ra thuận lợi và suôn sẻ. Mức độ ưu tiên cho hỗ trợ liên kết giữa viện, trường, với Dn ở các chính quyền địa phương chưa cao.
Chính phủ đã ban hành những nghị định quan trọng nhằm khuyến khích việc đầu tư vào KH&CN, đổi mới công nghệ trong các DN. Tuy nhiên, phía cơ quan quản lý chưa phổ biến đầy đủ, kịp thời đến các đối tượng được hưởng ưu đãi, hoặc cơ chế chính sách chưa thực sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp, hoặc chỉ áp dụng đối với dự án đầu tư đủ lớn và việc xét duyệt còn phức tạp, rườm rà.
Bản thân các DN vẫn chưa quan tâm đến cơ chế đầu tư tài chính cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ, thẩm định, giám định, định giá công nghệ... nhất là ở nhiều DN dạng cha truyền con nối, chỉ quen với thủ công, quản lý đơn giản.
Các DN cũng chưa có thói quen thuê tư vấn trong các khâu của quy trình chuyển giao công nghệ, phần lớn chỉ là mua được mua được máy móc thiết bị là xong. Nhiều DN không muốn thuê tư vấn trong các quyết định đầu tư đổi mới công nghệ.
Thêm vào đó, hoạt động môi giới công nghệ còn sơ khai, đơn lẻ, chưa thành mạng lưới, hệ thống. Hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ chưa liên kết với các cơ quan thông tin KH&CN để nhận các yêu cầu sáng chế, công nghệ và các công nghệ có tính ứng dụng cao.
Để mối quan hệ giữa DN với các nhà sáng chế, nhà khoa học là tất yếu, chuyển giao sáng chế, công nghệ thực sự mang lại hiệu quả cho cả bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao, theo bà Lê Thị Khánh Vân, hai bên cung (nhà sáng chế, nhà khoa học) và cầu (DN) phải đáp ứng được các điều kiện.
Cụ thể, DN phải là nhu cầu thực sự. DN xác định nếu không đổi mới công nghệ thì sẽ không thể tồn tại và nguy cơ phá sản cao. Lúc đó, nhu cầu đổi mới công nghệ là trọng yếu trong sự phát triển của DN.
Bên cung phải có tinh thần chuyển giao sáng chế, công nghệ và coi việc chuyển giao này là tất yếu, sẽ đem lại tài chính để phục vụ nghiên cứu tiếp theo.
Đặc biệt, hai bên phải hiểu đây là chuyển giao chất xám nên đây là mối quan hệ hợp tác, mật thiết, lâu dài có quan hệ tương hỗ. Hai bên cần phải coi đây là mối quan hệ cân bằng, đôi bên cùng có lợi thì mới chuyển giao thành công được.
Về cơ chế chính sách, phải có cơ chế chính sách ưu đãi đối với các tổ chức liên doanh giữa DN và viện - trường. Có chính sách hỗ trợ DN khi đầu tư, nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh việc nâng cao trình độ và chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học, Nhà nước phải hỗ trợ đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu trong DN. Thành lập vườn ươm DN, qua đó sớm hình thành các DN KHCN để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.
Quan trọng nhất phải hình thành thêm các kênh tương tác giữa các viện, trường và DN theo cơ chế Dn đồng đầu tư hoặc mời các DN tham gia đầu tư với Nhà nước để phát triển và ứng dụng công nghệ cao...
Trong khi đó, ông Phạm Hồng Quất cho rằng, để có sự bứt phá và bùng nổ chắc chắn phải có các giải pháp đột phá. Quan trọng nhất là phải tìm ra được sáng kiến nào phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Những kiến nghị nổi bật từ các diễn giả tại hội thảo sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp để đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ "nút thắt" này.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm