Thị trường hàng hóa
Thực tế này được các chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra tại Hội nghị “Tổng kết 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA - thành tích, các vấn đề tồn tại và giải pháp tận dụng hiệu quả” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Kinh doanh xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời cho biết, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020. Kể từ đó đến nay, khoảng 24.000 tấn gạo đã được Lộc Trời xuất khẩu sang thị trường EU.
Dù đạt được con số khả quan trên, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, số lượng hàng hoá không phải vấn đề. Dẫn chứng cho rào cản tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi chinh phục thị trường EU, ông Hiếu nói: Thách thức các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như Lộc Trời gặp phải khi đưa hàng sang châu Âu là các rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng.
Theo ông Hiếu, châu Âu vốn là thị trường khó tính, tiêu chuẩn hàng hoá vào đây rất khắt khe, từ quy định về kiểm dịch, thú y, tới dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trên sản phẩm. Tương tự các mặt nông sản khác, hạt gạo muốn đạt tiêu chuẩn vào thị trường EU thì doanh nghiệp cần có chuỗi sản xuất bền vững, từ giống, phân bón, thuốc, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...
“Doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất đi thị trường này phải rất tâm huyết, nỗ lực. Chỉ cần một lô hàng vi phạm quy định, lập tức doanh nghiệp bị đưa vào danh sách đen” - ông Hiếu nói.
Không riêng nông sản, thực phẩm tươi sống, đông lạnh xuất vào EU cũng chịu kiểm duyệt khắt khe của các cơ quan quản lý nước sở tại. Năng lực của Phú Gia Food mỗi năm có thể cung cấp cho thị trường EU 100-150 tấn thịt gà xuất khẩu, nhưng theo ông Phạm Tuấn Khải, Giám đốc doanh nghiệp này, trở ngại với họ là xây dựng hành lang pháp lý để đáp ứng đúng tiêu chuẩn của EU yêu cầu, như quy định về thú y, kiểm dịch...
Những rào cản tiêu chuẩn kỹ thuật mà Lộc Trời hay Phú Gia Food gặp phải cũng là thách thức chung của nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi đưa hàng sang EU. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận xét, dư địa và cơ hội từ thị trường EU rất lớn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc khi tiếp cận, cả do chủ quan và khách quan.
“Thương hiệu Việt Nam chưa được xây dựng hoặc chưa được biết đến nhiều tại các nước châu Âu, giá trị và lợi ích mà các doanh nghiệp Việt Nam thu về còn chưa tương xứng với tiềm năng”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay.
Hiện, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU có tốc độ tăng trưởng cao nhưng mới chỉ chiếm 2% thị phần kim ngạch nhập khẩu của thị trường EU lên tới 2.500 tỷ USD hàng hóa mỗi năm.
Phân tích kỹ hơn, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) thẳng thắn nhìn nhận, thị phần nhiều mặt hàng chiến lược của Việt Nam như thủy sản, rau quả, may mặc tại thị trường EU còn rất thấp chỉ 2- 4% nên dư địa phát triển còn lớn. Hiện ngoài một số doanh nghiệp và sản phẩm đã có chỗ đứng vững chắc tại EU, nhưng vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp “chật vật” tiếp cận thị trường này vì chủ yếu gia công sản phẩm cho đối tác nước ngoài.
“Việt Nam mất hơn 10 năm để chuẩn bị đàm phán, ký kết với sự nỗ lực từ các ban ngành, doanh nghiệp... để có thể đưa đến cơ hội xuất khẩu con cá, hạt gạo hay các mặt hàng có khả năng xuất khẩu ở thuế suất 0%. Tuy nhiên, lợi thế từ EVFTA sẽ không còn khi các đối thủ đang bắt đầu tiến tới ký kết FTA với EU. Hiện nay, trong khu vực, EU đã có FTA với Singapore và đang khởi động với Malaysia, Thái Lan…”, ông Ngô Chung Khanh nói.
Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng trưởng sau 2 năm thực hiện Hiệp định EVFTA nhưng thương hiệu Việt Nam chưa được biết đến nhiều tại các nước châu Âu. Điều này khiến giá trị và lợi ích mà các doanh nghiệp Việt Nam thu về trong hoạt động xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng.
“Định vị thương hiệu và xúc tiến thương mại là điều các doanh nghiệp cần quan tâm trong thời điểm hiện nay. Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin về cơ hội cắt giảm thuế quan đối với mỗi sản phẩm đặc trưng của mình. Cùng với đó, doanh nghiệp Việt cần chủ động nắm bắt thông tin về thị trường EU với các xu hướng, thị hiếu cũng như cơ chế nhập khẩu hàng hóa, trong đó quan tâm đến các yêu cầu chất lượng tránh để hàng hóa bị trả về vì không đáp ứng tiêu chuẩn…” - bà Nguyễn Thị Thu Trang khuyến nghị.
Chặng đường để doanh nghiệp Việt, hàng Việt chinh phục thị trường quy mô 500 triệu dân còn dài, đòi hỏi nỗ lực thay đổi, thích ứng từ các doanh nghiệp, trợ lực từ cơ quan quản lý. Ông Ngô Chung Khanh nói doanh nghiệp cần chuẩn bị, liên kết để tạo nên chuỗi sản xuất bền vững, nhằm tiết kiệm chi phí, tránh được rủi ro từ thị trường nước ngoài.
Về phía cơ quan quản lý, để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ lựa chọn một số mặt hàng có tiềm năng, thế mạnh để xây dựng hệ sinh thái, kết nối từ cơ quan quản lý tới doanh nghiệp... giúp họ có thông tin đầy đủ, nhanh và định hướng chính xác hơn khi xuất khẩu sang EU.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm