Thị trường hàng hóa
Thương mại điện tử đã vươn tới vùng xa
Tại diễn đàn "Ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ số Việt Nam 2024” ngày 6/11 tại Hà Nội, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng về thương mại điện tử (TMĐT) nhanh nhất khu vực và trên thế giới. Theo báo cáo gần đây nhất tại Hội nghị thường trực Chính phủ về chuyển đổi số tháng 7/2024, doanh thu TMĐT Việt Nam năm 2023 đã đạt 20,5 tỷ USD.
Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực mới như điện tử, chip bán dẫn, nghiên cứu phát triển R&D, trí tuệ nhân tạo… Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước. Tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87%, vượt mục tiêu năm 2025 là 80%.
"Một thực tế rất rõ là TMĐT hiện không chỉ phát triển mạnh ở các thành phố lớn mà còn ở các tỉnh, thành phố xa xôi, năng lực giao hàng của các công ty chuyển phát đã vươn tới các vùng sâu, vùng xa", bà Lại Việt Anh nhìn nhận.
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương).
Nhấn mạnh lợi ích của TMĐT và chuyển đổi số, ông Bùi Quang Cường - Phó ban Phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, chuyển đổi số và TMĐT giúp doanh nghiệp (DN), trong đó có DN nhỏ, kể cả người nông dân giúp họ bán trực tiếp sản phẩm trên thị trường, thậm chí là xuất khẩu. Nhiều bạn trẻ ngồi quán trà đà tại Việt Nam nhưng có thể bán sản phẩm ra toàn cầu.
Ông Nguyễn Khánh Toàn - Giám đốc Trung tâm XTTM tỉnh Thái Nguyên cho rằng, các DN, hợp tác xã và người nông dân đang hưởng lợi trực tiếp từ TMĐT nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi bán hàng trên môi trường trực tuyến. Khó khăn đầu tiên đến từ hạn chế về nhân lực. Đa số các DN nhỏ không có đủ nguồn lực thuê kỹ sư công nghệ thông tin để triển khai và duy trì hoạt động thương mại điện tử. Thiếu kiến thức nền tảng và kỹ thuật cần thiết khiến họ dễ gặp thất bại ngay từ những bước đầu, dễ rơi vào thế yếu khi cạnh tranh trên các sàn giao dịch trực tuyến.
Khó khăn tài chính cũng là một trở ngại lớn. Phần lớn DN nhỏ và hợp tác xã vốn đã gặp khó trong việc đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất, nghiên cứu sản phẩm. Việc đầu tư cho chuyển đổi số, bao gồm cả thiết bị công nghệ và quảng cáo trên các nền tảng số, đòi hỏi khoản kinh phí lớn hơn nhiều, vượt quá khả năng của họ.
Một rào cản khác là vấn đề logistics, đặc biệt đối với các hộ nông dân ở vùng sâu, vùng xa. Mặc dù TMĐT tạo điều kiện để họ tiếp cận khách hàng rộng rãi, nhưng việc vận chuyển hàng hóa lại là một bài toán khó khi hệ thống giao thông và dịch vụ chuyển phát chưa đủ thuận lợi và chi phí vẫn cao. Các DN cần hỗ trợ từ các ban ngành và các sàn TMĐT để cải thiện quy trình này, bảo đảm hàng hóa đến tay khách hàng nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Tại sự kiện, các diễn giả cũng nêu những rào cản về ngôn ngữ, khác biệt văn hóa và hệ thống pháp lý phức tạp tại từng thị trường đích. Các quy định về kiểm định, thuế quan, bảo vệ người tiêu dùng tại các nước nhập khẩu đều đòi hỏi DN phải đầu tư thời gian và chi phí đáng kể, đồng thời nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm để đáp ứng yêu cầu quốc tế. Đối với các DN nhỏ, đây là thách thức đòi hỏi họ phải có sự chuẩn bị kỹ càng và hỗ trợ thích hợp từ các tổ chức và Chính phủ.
Câu chuyện xã hội trong các nền tảng số
Ông Nguyễn Lâm Thanh - Tổng Giám đốc TikTok Việt Nam nhận định, hiện hoạt động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh được được triển khai tới các doanh nghiệp, tác động lớn đến cả người lao động và người tiêu dùng. Chỉ riêng nền tảng TikTok, ở Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay, có đến hơn 3,7 triệu cá nhân và tổ chức sống bằng các nguồn thu nhập đến từ TikTok.
Các diễn giả tham gia diễn đàn "Ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ số Việt Nam 2024”.
"Như vậy, câu chuyện của xã hội đã nằm trong các nền tảng số. Nếu không xây dựng được chương trình hỗ trợ và hỗ trợ không tốt sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp, nguồn thu của Nhà nước bị ảnh hưởng, người tiêu dùng mua phải hàng nhái , hàng giả", ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Đối ngoại Shopee Việt Nam cho biết sàn TMĐT này đang hỗ trợ DN nhỏ tiếp cận công nghệ, như chương trình “đại tiệc trái cây” và dạy nông dân livestream để bán nông sản. Shopee còn hỗ trợ hàng trăm ngàn DN xuất khẩu thành công qua nền tảng này.
Ngoài ra, các công ty như VNPT, VISA, MISA và Hiệp hội Phần mềm VINASA cũng giới thiệu các nền tảng hỗ trợ thanh toán và quản lý số cho DN, góp phần tăng hiệu quả và giảm chi phí sản xuất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khánh Toàn đề xuất Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các DN, giúp họ tự chủ trong việc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Tỉnh Thái Nguyên cũng đang đẩy mạnh xây dựng chiến lược đưa nông sản lên các sàn TMĐT, giúp DN và hợp tác xã tăng cường quảng bá sản phẩm. Thái Nguyên sẵn sàng mở cửa mời gọi các sàn TMĐT tạo điều kiện, giúp các DN, HTX trong tỉnh có cơ hội tiếp cận và phát triển TMĐT.
Theo phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Lại Việt Anh, trong bối cảnh TMĐT và xu hướng tiêu dùng thay đổi mạnh mẽ, các DN phải cạnh tranh gay gắt để có thể tồn tại và phát triển.
Bà Lại Việt Anh bày tỏ mong muốn cộng đồng DN đẩy mạnh ứng dụng TMĐT, các giải pháp công nghệ số, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh cũng như thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số ngày càng được đẩy mạnh tại Việt Nam.
Đưa ra khuyến nghị cho DN, các diễn giả có chung quan điểm: Nếu không mạnh dạn, không cập nhật thông tin, không trang bị kiến thức nền tảng về TMĐT và chuyển đổi số thì sẽ bị thua cuộc ngay trên sân nhà. DN không chịu đổi mới sáng tạo, không cập nhật xu hướng sẽ rất dễ thất bại trên thương trường.
Tại diễn đàn, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) đã ký kết biên bản ghi nhớ với Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang và Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh Thái Nguyên nhằm hợp tác thúc đẩy ứng dụng TMĐT và công nghệ số cho các doanh nghiệp địa phương.
Hiệp hội Dừa Việt Nam cùng Công ty TNHH Giải pháp Vận tải Ratraco cũng đã ký thỏa thuận hợp tác nhằm đẩy mạnh xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa qua thương mại quốc tế và thương mại điện tử xuyên biên giới. Đây là cơ hội quan trọng để các tổ chức và doanh nghiệp kết nối, mở rộng hợp tác, qua đó thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm