Thị trường hàng hóa
Chỉ cách thủ đô Hà Nội 57km, Hải Dương được xem là tỉnh có tiềm lực và dư địa phát triển kinh tế lớn. Nằm tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, tiếp giáp vành đai kinh tế Bắc bộ với lượng dân số chỉ đứng sau Hà Nội và Hải Phòng, tỉnh Hải Dương đảm bảo nguồn nhân lực cho các dự án đầu tư đang hoạt động.
Năm 2021, tăng trưởng kinh tế Hải Dương vẫn ghi nhận ở mức cao khi vượt lên vị trí thứ 8 cả nước. Thành quả đạt được chính nhờ tiềm năng sẵn có cùng chủ trương đúng đắn, sáng tạo, môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của tỉnh không ngừng được cải thiện.
Trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp với quy mô đồng bộ, hiện đại đã giúp tỉnh kết nối với những địa phương lân cận, tạo nền tảng để phát triển kinh tế vùng. Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh cũng liên tục tăng bậc, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ và hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Theo thông tin từ tỉnh Hải Dương, nguồn vốn FDI rót vào tỉnh đạt hơn 9 tỷ USD vào năm 2021, với tổng số gần 500 dự án, xếp thứ 4 trong khu vực đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 11 cả nước. Với cơ cấu công nghiệp chiếm gần 55% GDP, Hải Dương định hướng đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp sẽ chiếm 64%.
Trong 9 tỷ USD vốn FDI thu hút được, ngành Điện - Điện Tử vẫn dẫn đầu tỉnh, chiếm 38% tổng lượng vốn. Cơ khí Kỹ thuật và May mặc lần lượt chiếm 22% và 20% tỷ trọng tiếp theo trong khu vực, theo Cục Thống kê tỉnh Hải Dương. Với lợi thế vị trí trung tâm, nhu cầu công nghiệp hiện hữu, tỉnh Hải Dương hưởng lợi từ sự phát triển của các tỉnh công nghiệp bao quanh, tạo điều kiện cho tỉnh trở thành một trong 3 tỉnh thuộc tam giác kinh tế chiến lược tại miền Bắc.
Với 11 khu công nghiệp hiện hữu, 6 khu công nghiệp mới triển khai năm 2021 (1.097ha), 8 KCN phát triển trong tương lai (1.890ha) và 53 cụm công nghiệp (2.683ha), Hải Dương sở hữu nguồn cung lớn và sẵn sàng cho các dự án đầu tư với quy mô đa dạng. Nguồn quỹ đất công nghiệp ở tỉnh vẫn dồi dào, được định hướng lên đến hơn 20.000 ha giai đoạn 2021-2030, tỉnh có thể phát triển công nghiệp, theo đúng định hướng “Công nghiệp – Hiện đại hóa” trong tương lai.
Về môi trường tự nhiên, tỉnh sở hữu mạng lưới sông ngòi dày đặc cùng lượng nước dồi dào và điều kiệu thời tiết thuận lợi trên hơn 8.500 ha đất toàn tỉnh, phù hợp cho các hoạt động nông lâm thủy sản. Các điều kiện đặc trưng của từng quận, huyện góp phần tạo nên dải sản phẩm nông sản đa dạng. Không bỏ phí lợi thế tự nhiên, tỉnh Hải Dương đưa ra định hướng phát triển nâng cao các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản để đạt chuẩn quốc tế nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu, và tiếp cận các thị trường khó tính với biên độ lợi nhuận cao, với tầm nhìn đến năm 2050 trở thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của vùng đồng bằng sông Hồng.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh của tỉnh, nhu cầu về nhà ở liền thổ và căn hộ tăng cao trong những năm gần đây. Tuy nhiên, giá bán căn hộ và nhà liền thổ ở tỉnh Hải Dương vẫn còn duy trì ở mức cạnh tranh trong khu vực, ở mức 20-25 triệu VND/m2 cho căn hộ, và 30 - 50 triệu VND/m2 cho nhà liền thổ, theo Cushman & Wakefield.
Về tương lai, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ quy hoạch 15 khu công nghiệp mới với tổng diện tích đất trên 10.000 ha, trong đó gần 6.000 ha đất công nghiệp, 2.000 ha đất đô thị dịch vụ và logistics.
Đáng chú ý, tỉnh đã quy hoạch 1 vùng công nghiệp động lực tại huyện Bình Giang, Thanh Miện, với diện tích 10.000 ha tại vị trí kết nối nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cách Hà Nội 25 phút đi xe.
Ông Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương chia sẻ: “Việc tập trung tối đa các nguồn lực, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện một số công trình hạ tầng trọng điểm, tạo điều kiện bứt phá cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đồng thời, với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp, chúng tôi cam kết cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn môi trường đầu tư kinh doanh, đồng thời chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về hạ tầng các khu công nghiệp, các điều kiện về nhà ở và các dịch vụ chất lượng cao nhằm đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư trong tương lai.”
Nhìn về tương lai, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, Hải Dương luôn rộng cửa đón chào các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu tìm kiếm cơ hội và đầu tư, đặc biệt thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ cao, công nghệ xanh, công nghệ sạch.”
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm