Thị trường hàng hóa
Công nghệ bán dẫn là nền tảng của nhiều giải pháp công nghệ hiện nay. Hiện, Việt Nam đã và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu... đến tìm hiểu và đầu tư.
Riêng với Hà Nội, thành phố đã thu hút 1,165 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; trong đó đăng ký cấp mới 120 dự án với số vốn 1,036 tỷ USD; bổ sung tăng vốn đầu tư 78 dự án, với 55 triệu USD; 104 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, với giá trị 74 triệu USD.
Với những kết quả tích cực nêu trên, Hà Nội vẫn là bến đỗ hấp dẫn đối với dòng vốn và các nhà đầu tư quốc tế. Trên cơ sở các mục tiêu cụ thể, thiết thực đó, thời gian qua, Hà Nội luôn khẳng định vị trí hàng đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, cho rằng Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp bán dẫn và cũng là địa phương ưu tiên để phát triển vi mạch bán dẫn (chip bán dẫn) và trí tuệ nhân tạo.
Mục tiêu trong thời gian tới của Hà Nội là trở thành trung tâm đầu mối, dẫn dắt nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, có sự gắn kết với hệ thống đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Trong lĩnh vực chip bán dẫn, Hà Nội đang chuẩn bị về mặt thể chế, chính sách vượt trội, chuẩn bị nguồn lực để "tạo ổ" đón những "đại bàng" lớn sản xuất chip, đầu tư công nghệ bán dẫn vào Hà Nội, cũng như vào Việt Nam.
Hà Nội cũng được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao. Các dự án phù hợp có thể nhận được ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, ưu tiên về thủ tục hải quan...
Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam NIC, đánh giá một trong những lợi thế của Hà Nội là Luật Thủ đô sửa đổi vừa được ban hành, trong đó ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển các khu công nghệ cao, ưu đãi đầu tư. Ngoài ra, Hà Nội đã là nơi tiếp đón nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới khi tới Việt Nam như Nvidia, Apple, SpaceX, Qorvo.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa), bổ sung Hà Nội là nơi đặt nhiều trường đại học đào tạo nhân lực cho lĩnh vực bán dẫn, như Đại học Bách Khoa, Đại học Công nghệ, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học FPT.
Quanh thành phố có 10 khu công nghệ cao trên diện tích hơn 1,7 nghìn ha. Trong đó, khu Công nghệ cao Hòa Lạc đặt tầm nhìn trở thành trung tâm nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của Hà Nội và̀ cả nước.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp để phát triển loại hình doanh nghiệp công nghệ số, trong đó có doanh nghiệp bán dẫn, như: đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, tuyên truyền, phát triển hạ tầng số, tạo lập thị trường, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp.
Tag
ĐANG HOT
ADB nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm