Thị trường hàng hóa
Sáng 14/7, tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) phối hợp cùng Sở NN&PTNT An Giang tổ chức hội thảo thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tại hội thảo, ông Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cho biết, địa phương là một trong những tỉnh sản xuất và xuất khẩu lúa, gạo trọng điểm của toàn vùng ĐBSCL và cả nước. An Giang cũng là tỉnh tiên phong trong xây dựng cánh đồng lớn và hiện nay là các mối liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo cũng như các loại nông sản đạt hiệu quả cao, góp phần phát triển các ngành hàng chủ lực và tăng thu nhập cho người dân trồng lúa.
“Thời gian qua, việc phát triển các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị các ngành hàng nông nghiệp chủ lực, trong đó lúa gạo dành được sự quan tâm hàng đầu của tỉnh. Qua đó, địa phương đã tập trung triển khai các nhiệm vụ về phát triển HTX, THT gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ lâu dài, bền vững.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 209 HTX nông nghiệp và 2 Liên hiệp HTX, trong đó có 37 HTX nông nghiệp và 2 Liên hiệp HTX có sự nhân sự của những tập đoàn lớn tham gia quản lý điều hành và liên kết sản xuất, tiêu thụ”, ông Thọ cho biết.
Nói về thực trạng liên kết chuỗi giá trị lúa gạo vùng ĐBSCL, ông Hoàng Vũ Quang - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (CS&CLPTNNNT) cho biết, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 7,1 triệu tấn với trị giá 3,45 tỷ USD. Trong đó, ĐBSCL đóng góp 90%. Thị trường xuất khẩu lúa gạo sang các thị trường chính như: Philippines, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, EU, Nhật, Mỹ…
Hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu mua lúa của nông dân thường phải thông qua trung gian, thương lái. Tuy nhiên, tỷ lệ lúa tiêu thụ qua liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) vẫn chưa nhiều, từ đó gây khó khăn trong vấn đề tiêu thụ lúa gạo trong dân.
Chủ yếu doanh nghiệp liên kết khi có yêu cầu đặc biệt về chất lượng sản phẩm: hữu cơ, kiểm soát dư lượng (EU, Mỹ), SRP, an toàn, GAP, GlobalGAP… Vì vậy, sự cần thiết của liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo hướng đến bền vững và thích nghi trong thời điểm biến đổi khí hậu hiện nay rất quan trọng.
Về những tồn tại dẫn đến thiếu bền vững trong liên kết, Viện CS&CLPTNNNT cho rằng, do thiếu lòng tin giữa 2 bên doanh nghiệp - HTX/hộ; nông dân không tuân thủ yêu cầu quy trình sản xuất, chất lượng của doanh nghiệp; nông dân/doanh nghiệp vi phạm hợp đồng; chậm thanh toán; thiếu sự chia sẻ giữa các bên khi xảy ra rủi ro, biến động thị trường; áp lực về hậu cần, vận chuyển… và sự can thiệp của "cò lái".
Để khắc phục những tồn tại, Viện đã đưa ra các quan điểm cần phải làm như: tiêu thụ sản phẩm ổn định; ổn định giá tiêu thụ sản phẩm, hạn chế được mùa ép giá; tạo điều kiện cho ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; xây dựng vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; nông dân sản xuất sản phẩm theo nhu cầu thị trường, theo đặt hàng của doanh nghiệp; áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm đồng đều.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm