Thị trường hàng hóa
Giới đầu tư chứng khoán lãi 17,6 tỷ USD
Thị trường chứng khoán bước vào năm mới với nhiều thông tin kém lạc quan như lạm phát tăng cao trên toàn cầu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dù có khả năng giảm tốc tăng lãi suất nhưng cơ quan này được cho là vẫn “làm nóng” đồng USD cho đến năm 2024.
Tuy nhiên, trái ngược với những thông tin đó, VN-Index đã thăng hoa trong tháng đầu tiên của năm mới 2023. Ngay từ phiên mở cửa năm (3/1/2023), VN-Index đã hưng phấn, tăng 39,26 điểm, tương đương 3,9% lên 1.043,9 điểm.
Sau đó, dù có phiên rung lắc nhưng tính chung lại cả tháng, VN-Index vẫn tăng 108,09 điểm, tương đương 10,3% so với phiên cuối cùng của năm 2022. Nhờ đó, vốn hóa thị trường sàn Hose tăng 416.308 tỷ đồng (khoảng 17,6 tỷ USD) lên 4.433.603 tỷ đồng (khoảng 188 tỷ USD).
Một tín hiệu tích cực nữa là thanh khoản được cải thiện mạnh. Trong 2 phiên cuối cùng của tháng 1/2023, giá trị giao dịch đã vượt mốc 13.000 tỷ đồng mỗi phiên. 13.000 tỷ đồng vẫn khiêm tốn so với 30.000 tỷ đồng trước đây nhưng cải thiện mạnh so với con số chỉ 9.000 tỷ đồng suốt thời gian qua.
Cổ phiếu ngân hàng đóng góp phần rất quan trọng vào đà tăng mạnh của VN-Index trong tháng 1/2023. Trong đó, VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là đầu tàu đáng chú ý.
Chốt tháng 1, VCB dừng ở mức 91.900 đồng/CP sau khi tăng 11.900 đồng/CP, tương đương 14,9% so với phiên 30/12/2022. Nhờ đó, vốn hóa thị trường Vietcombank tăng 56.317 tỷ đồng (khoảng 2,39 tỷ USD) lên 434.918 tỷ đồng (khoảng 18,4 tỷ USD). Từ cuối năm 2022, VCB đã vượt qua đại gia bất động sản để trở thành cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đóng cửa tháng 1 ở mức 45.100 đồng/CP, tăng 6.500 đồng/CP, tương đương 16,8%. Vốn hóa thị trường BIDV có thêm 32.880 tỷ đồng (khoảng 1,39 tỷ USD).
Trong tháng 1/2023, nhiều blue-chips đóng góp vào đà tăng của VN-Index nhưng không nhiều mã ghi nhận mức vốn hóa thị trường có thêm hàng tỷ USD như VCB và BID.
Ngành ngân hàng gặp áp lực
Sau phiên giao dịch ngày 31/1/2023, Công ty chứng khoán VCBS đánh giá áp lực bán vẫn còn có thể bất ngờ xảy ra khiến VN-Index giảm điểm. Theo VCBS, trong trường hợp VN-Index giảm dưới vùng điểm 1080, thì khả năng cao chỉ số chung sẽ diễn biến đi ngang với biên động rộng từ 990 - 1.100.
Theo VCBS, nếu thị trường rung lắc và kiểm tra thành công vùng hỗ trợ 1.080 - 1.100 thì VN-Index vẫn sẽ tiếp nối nhịp tăng và các nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân với những mã cổ phiếu thuộc các nhóm ngành như vật liệu xây dựng, chứng khoán, ngân hàng với tỷ trọng hợp lý từ 10 - 15% tài khoản.
Có thể thấy, trước mắt, cổ phiếu ngân hàng vẫn được đánh giá cao.
Mặc dù cổ phiếu ngân hàng đóng góp chính vào đà hưng phấn của VN-Index trong tháng 1/2023 và mang về cho nhà đầu tư khoản lãi lên tới 17,6 tỷ USD nhưng trong phần còn lại của năm 2023, ngành ngân hàng được đánh giá sẽ đối diện với không ít áp lực.
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã liệt kê danh sách một số ngành gặp áp lực trong phần còn lại của năm 2023. Ngành ngân hàng có tên trong danh sách đó.
Cụ thể, theo BVSC, chính sách tiền tệ thắt chặt cùng với rủi ro từ thị trường trái phiếu sẽ vẫn tạo áp lực đến các ngành bất động sản và ngân hàng.
Môt số ngành hưởng lợi từ đứt gãy chuỗi cung ứng trong 2022 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong 2023 là phân bón, thủy sản, dầu khí.
Đồng thời, BVSC cũng chỉ ra một số ngành có tín hiệu lạc quan, có lợi nhuận tăng trường trong năm 2023.
Theo đó, ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng là những ngành dự báo có tăng trưởng trên 10% trong năm 2023. Thị trường tiêu dùng nội địa duy trì sức mua tốt là động lực duy trì tăng trưởng cho các ngành này.
Công nghệ thông tin, dược phẩm, bảo hiểm là những ngành có hoạt động ổn định trong bối cảnh nhiều biến động về vĩ mô trong và ngoài nước. Ngành bảo hiểm dự báo sẽ có sự tăng trưởng lợi nhuận 40,1% trong 2023 nhờ hưởng lợi từ môi trường lãi suất cao hơn so với năm 2020 - 2021.
Một số ngành dự báo có cơ hội phục hồi trên nền thấp của 2022 là kinh doanh xăng dầu, thép, chứng khoán… khi các bất ổn do chính sách lãi suất và chiến tranh kỳ vọng sẽ hạ nhiệt vào năm 2023.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm