Thị trường hàng hóa
Ngày 23/7, các doanh nghiệp thép trong nước thông báo điều chỉnh giảm giá một số sản phẩm. Trong lần điều chỉnh này, giá thép trong nước giảm khoảng 100.000 - 310.000 đồng/tấn, tương đương 10.000 - 30.000 đồng/kg, tùy từng thương hiệu và sản phẩm.
Cụ thể, Hòa Phát tại miền Bắc thông báo giảm 300 đồng/kg đối với thép cuộn CB240, xuống mức 15.690 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 hiện có giá 16.390 đồng/kg, giảm 110 đồng.
Tại miền Trung, thép cuộn CB240 giảm 100 đồng/kg, xuống mức 15.890 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 không thay đổi giá bán, vẫn ở mức 16.500 đồng/kg.
Tại miền Nam, thép cuộn CB240 giảm 200 đồng, hiện ở mức 15.790 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 210 đồng, xuống mức 16.290 đồng/kg.
Thương hiệu thép Việt Ý, giảm 360 đồng/kg đối với thép cuộn CB240 và giảm 200 đồng/kg với thép thanh vằn D10 CB300. Hiện mức giá của hai sản phẩm này lần lượt là 15.550 đồng/kg và 16.160 đồng/kg.
Thép Việt Đức tại miền Bắc, với thép cuộn CB240, giảm 310 đồng/kg, hiện ở mức 15.550 đồng/kg; còn thép thanh vằn D10 CB300 giảm 200 đồng/kg, xuống còn 16.160 đồng/kg.
Tại miền trung, Việt Đức cũng giảm 310 đồng/kg đối với thép cuộn CB240, hiện có mức giá 15.600 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 16.310 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg.
Thép Kyoei điều chỉnh giảm 260 đồng/kg đối với thép cuộn CB240 và giảm 200 đồng/kg với thép thanh vằn D10 CB300. Hiện giá của hai sản phẩm này ở mức 15.550 đồng/kg và 16.160 đồng/kg.
Thép miền Nam giảm 300 đồng/kg đối với sản phẩm thép cuộn CB240, xuống còn 15.990 đồng/kg; với thép thanh vằn D10 CB300, giảm 210 đồng/kg, hiện có giá 16.540 đồng/kg.
Thép Pomina tại miền Trung tiếp tục giữ nguyên giá bán, với thép cuộn CB240 ở mức 16.800 đồng/kg; dòng thép thanh vằn D10 CB300 hiện có giá 17.100 đồng/kg
Tại miền Nam, Pomina giảm 310 đồng/kg với thép cuộn CB240, xuống mức 16.290 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 200 đồng/kg, có giá 16.700 đồng/kg.
Như vậy, từ tháng 5 tới nay, giá thép trong nước đã có 19 lần điều chỉnh giảm giá, tổng mức giảm lên tới 3 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu.
Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân khiến giá thép giảm liên tục là do giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép đã giảm liên tục. VNDirect kỳ vọng giá bán thép xây dựng sẽ giảm dần về mức trung bình trong dài hạn, tuy nhiên triển vọng nhu cầu thép phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch và giá nguyên liệu đầu vào vẫn duy trì ở mức cao sẽ khiến quá trình giảm giá này kéo dài.
"Việc giá bán thép giảm cũng sẽ gây áp lực lên biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép trong 6 tháng cuối năm khi hàng tồn kho giá rẻ được tiêu thụ hết, đặc biệt đối với các công ty thương mại thép", VNDirect dự báo.
Dự báo về diễn biến giá thép thời gian tới, Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng sẽ tiếp tục giảm, bởi từ tháng 7 đến tháng 9 là thời điểm mưa nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình xây dựng. Nhu cầu thép xây dựng vốn đang ở mức thấp lại thêm tác động của thời tiết xấu sẽ tác động đến tình hình tiêu thụ thép trong quý 3/2022.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm