Thị trường hàng hóa
Thị trường đường thế giới dần cân bằng hơn
Tại thị trường thế giới, do lo ngại về nguồn cung đường vẫn dồi dào với triển vọng sản lượng vụ mía ở Brazil tươi sáng hơn khi hiện tượng El Nino gây mưa nhiều tại đây, giá đường thế giới trong tháng 12/2023 đã giảm 24%, còn 20,58 US cents/pound (0,454 kg) - mức thấp nhất trong cả năm 2023.
Tuy nhiên, đến tháng 1/2024, Ấn Độ cho biết sản lượng đường niên vụ 2023/2024 (10/2023 - 01/2024) chỉ đạt 14,95 triệu tấn, giảm 5,3% so với niên vụ trước, đã khiến thị trường tiếp tục lo ngại về rủi ro thiếu hụt nguồn cung.
Ngoài ra, giữa tháng 1/2024, Chính phủ Ấn Độ quyết định áp thuế xuất khẩu 50% đối với sản phẩm mật rỉ đường, cho thấy dấu hiệu lệnh hạn chế xuất khẩu đường của Ấn Độ vẫn chưa có khả năng dỡ bỏ trong tương lai gần.
Thêm vào đó, việc giá dầu thô tăng trở lại từ đầu tháng 1/2024 cũng làm tăng sức hấp dẫn của việc sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol, tạo ra áp lực gián tiếp đối với nguồn cung đường thế giới.
Theo đó, giá đường thế giới đã bật tăng 16% trong tháng 1/2024, đạt 23,91 US cents/pound.
Hãng chứng khoán Phú Hưng Securities nhận định, giá đường thế giới trong năm 2024 vẫn sẽ tiếp tục xu hướng giảm khi hiện tượng El Nino dự kiến sẽ chỉ còn kéo dài đến giữa năm 2024. Thời tiết sẽ chuyển sang pha trung tính và thuận lợi hơn cho việc trồng mía, phần nào giúp cải thiện triển vọng nguồn cung đường tại Ấn Độ và Thái Lan.
Ngoài ra, theo Hiệp hội Mía đường Brazil (UNICA), tính đến tháng 12/2023, sản lượng đường niên vụ 2023/2024 của Brazil đã tăng 25,4% so với niên vụ trước, đạt hơn 42 triệu tấn. Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) cũng đã nâng ước tính sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2023/2024 lên gần 180 triệu tấn, tăng mạnh so với mức 174,8 triệu tấn được dự báo trước đó. Do vậy, mức thiếu hụt cung đường toàn cầu niên vụ 2023/2024 dự kiến sẽ chỉ ở mức 0,3 triệu tấn, so với mức 2,1 triệu tấn được dự báo trước đó.
“Các yếu tố này sẽ hỗ trợ ổn định nguồn cung đường và khiến giá đường thế giới khó tăng mạnh trong năm 2024. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá đường dự kiến vẫn sẽ neo cao khi lo ngại về thiếu hụt nguồn cung đường ở Ấn Độ vẫn sẽ tiếp diễn đến hết quý 1/2024”, Phú Hưng Securities đánh giá.
Dự báo giá đường trong nước khó tăng mạnh
Tại thị trường trong nước, giá đường đã điều chỉnh giảm sau một thời gian tăng theo giá đường thế giới. Tuy nhiên, mức độ sụt giảm được ghi nhận thấp hơn so với giá đường thế giới và vẫn giữ ở mức 21.200 - 21.800 đồng/kg trong giai đoạn từ tháng 12/2023 - tháng 1/2024.
Phú Hưng Securities cho biết, sản lượng mía đưa vào chế biến đường trong niên vụ 2023/2024 của Việt Nam dự kiến sẽ ở mức tích cực, ước tăng 9% so với niên vụ trước, đạt 10,6 triệu tấn. Qua đó, giúp sản lượng đường thành phẩm dự kiến tăng 10%, đạt hơn 1 triệu tấn - mức cao nhất từ niên vụ 2019/2020 đến nay.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) mức sản lượng trên vẫn chỉ đủ đáp ứng 1/3 nhu cầu tiêu thụ trong nước. Do đó, việc giá đường thế giới giảm sẽ không tác động ngay đến giá đường trong nước trong ngắn hạn do đường nhập khẩu đang được giám sát chặt chẽ và tuân thủ chính sách chống bán phá giá, chống trợ cấp của Việt Nam. Vì vậy, giá đường trong nước sẽ phần nhiều phụ thuộc vào diễn biến cung - cầu trên thị trường nội địa.
Xem thêm: "Đường Quảng Ngãi (QNS): Lãi ròng năm 2023 tăng 70%, dự báo giá đường vẫn neo cao" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Với nguồn cung dồi dào hơn và giá đường thế giới hạ nhiệt, giá đường trong nước sẽ khó bật tăng mạnh mẽ như giai đoạn vừa qua, thậm chí điều chỉnh giảm nhẹ theo biến động của giá đường thế giới trong năm 2024.
Nhưng ngay cả khi điều chỉnh giảm thì giá đường trong nước niên vụ 2023/2024 sẽ vẫn cao hơn so với giai đoạn 2018 - 2020. Đồng thời, việc giá đường tăng cao trở lại trong thời gian vừa qua đã thu hút nông dân quay trở lại trồng mía, nhiều doanh nghiệp cũng đẩy mạnh mở rộng vùng nguyên liệu. Qua đó, giúp gia tăng sản lượng mía đường. Những yếu tố này được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp mía đường.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm