Thị trường hàng hóa
Giá cà phê hôm nay, ngày 7/9 có giá dao động từ 47.000 – 47.600 đồng/kg, giảm 300 đồng so với hôm qua (6/9).
Cụ thể, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk ở các huyện Cư M’gar, huyện Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua với giá từ 47.500 – 47.600 đồng/kg.
Tại các địa phương còn lại, giá cà phê tại tỉnh Gia Lai và tỉnh Đắk Nông được thu mua ở mức 47.500 đồng/kg (tại khu vực thành phố Pleiku và huyện La Grai, tỉnh Gia Lai giảm thêm 100 đồng/kg).
Giá cà phê tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Di Linh, Bảo Lộc có giá 47.000 đồng/kg.
Đối với thị trường cà phê thế giới, giá cà phê đều ghi nhận sắc xanh ở cả hai sàn giao dịch London và New York.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta trên sàn London đã tăng trở lại nhưng ở mức độ nhẹ nhàng. Kỳ hạn giao ngay tháng 11 tăng 5 USD, lên 2.222 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2023 tăng thêm 3 USD, lên 2.212 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn New York cũng tiếp nối đà giảm liên tiếp sau nhiều phiên. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 tăng 0,65 cent, tăng thành 229,45 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2023 tăng thêm 0,55 cent, lên 222,65 cent/lb, các mức tăng khá nhẹ nhàng. Khối lượng giao dịch cao.
Tính đến ngày 31/08, tồn kho của cà phê Robusta trên sàn London đạt 94.750 tấn, giảm 850 tấn. Tồn kho cà phê Arabica trên sàn New York tăng lại thêm 591 bao để đạt 672.585 bao.
Theo chuyên gia, giá cà phê hôm nay tuy đã quay trở lại mức tăng trưởng nhưng vẫn trong thời kỳ sụt giảm. Lý do chủ yếu do giá đồng đô la Mỹ ở mức cao nhất trong 20 năm qua nên tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa thế giới, đồng thời một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc vẫn đang đóng cửa để phòng chống đại dịch nên đã tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa thế giới, trong đó có cà phê.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa có báo cáo về thị trường nông, lâm, thủy sản. Dẫn thống kê của Tổng cục Hải quan, cơ quan này cho biết, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 8/2022 đạt 110.000 tấn, trị giá 257 triệu USD, giảm 6,2% về lượng, nhưng tăng 9,0% về trị giá so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,24 triệu tấn, trị giá 2,82 tỷ USD, tăng 14,7% về lượng và tăng 39,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến, hết tháng 9, kim ngạch xuất khẩu cà phê sẽ vượt mức 3,07 tỷ USD thực hiện trong cả năm ngoái.
Bộ Công Thương khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ Hiệp định UKVFTA mang lại. Bởi theo cam kết của UKVFTA, sau 6 năm kể từ khi UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho phép giống cà phê dây bản địa của xã Thuận An (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) được lưu hành đặc cách. Đây là bước tiến mới trong phát triển giống của Đắk Nông, tạo động lực để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê. Cà phê dây có nhiều ưu điểm như năng suất cao (trung bình 6-8 tấn/ha), chống chọi sâu bệnh tốt, có khả năng chịu hạn trong thời gian dài, nhân to, chậm thoái hóa... Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận lưu hành đặc cách giống cà phê dây Thuận An là cơ hội lớn cho Đắk Nông trong quá trình nâng cao hiệu quả ngành hàng cà phê.
Ngoài ra, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) vừa phát động Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam vào năm 2023 với mục đích phát hiện và tôn vinh những lô cà phê và đơn vị sản xuất cà phê nhân đạt tiêu chuẩn đặc sản; Giới thiệu sản phẩm cà phê nhân đặc sản của Việt Nam đến với người tiêu dùng, nhà rang xay trong và ngoài nước; Kết nối trực tiếp nhà rang xay với đơn vị sản xuất cà phê đặc sản; Bước đầu phát triển thị trường, nhu cầu tiêu thụ và giá trị gia tăng cho cà phê đặc sản của Việt Nam; Tạo động lực cho người trồng cà phê quan tâm đến việc nâng cấp chất lượng. Dự kiến, thời gian nhận đăng ký bắt đầu từ ngày 15/02 – 25/03/2023.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm