Thị trường hàng hóa
Việt Nam hiện là 1 trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai áp dụng thu thuế đối với các nhà cung cấp của nước ngoài, thông qua một cổng thông tin điện tử trực tuyến. Tổng cục Thuế thông đã qua các đại sứ quán (có các doanh nghiệp nước ngoài lớn hoạt động tại Việt Nam), một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và các đơn vị tư vấn thuế lớn như Ernst & Young, KPMG, PWC, Deloitte để đôn đốc các đơn vị có hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam thực hiện nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế.
Ông Nguyễn Bằng Thắng, Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho biết, đến nay, cơ quan thuế đã tiếp nhận và đăng ký thuế cho nhiều nhà cung cấp của nước ngoài lớn. Trong đó, có những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Meta (Facebook), Google, Microsoft, Tiktok, Netflix… với số thuế nộp ngân sách nhà nước là hàng chục triệu USD.
Tại kỳ kê khai quý I, Microsoft đã nộp 0,5 triệu USD, TikTok nộp 34,5 tỷ đồng, Netflix nộp 7,8 tỷ đồng trong khi Facebook sẽ nộp thuế trên toàn bộ doanh thu (từ tổ chức và cá nhân) vào quý II. Mới đây, Tổng cục Thuế đã phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để thu thập thông tin, dữ liệu liên quan đến Netflix (công ty cung cấp dịch vụ giải trí truyền hình trực tiếp hoạt động ở Việt Nam từ cuối năm 2019) và gửi công văn đề nghị doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật thuế Việt Nam.
Trước đây, cơ chế thu thuế nhà thầu nước ngoài cũ đòi hỏi các nhà cung cấp nước ngoài hoạt động xuyên biên giới phải ủy quyền cho các tổ chức trong nước đứng ra kê khai, nộp thuế thay cho họ. Kể từ khi đưa cổng thông tin điện tử vào hoạt động, các nhà cung cấp này đã có thể trực tiếp thực hiện nghĩa vụ thuế với cơ quan quản lý Việt Nam.
Kể từ năm 2018 đến nay, số thu từ hoạt động thương mại điện tử thông qua các tổ chức tại Việt Nam nộp thuế thay nhà thầu đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế có số thu lớn là Facebook với 2.076 tỷ đồng, Google với 2.040 tỷ đồng, Microsoft với 699 tỷ đồng.
Ưu điểm thu thuế theo hình thức này dành cho nhà cung cấp nước ngoài là ở bất kỳ đâu trên thế giới, các nhà cung cấp của nước ngoài cũng có thể thực hiện được nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế Việt Nam một cách nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thủ tục hành chính và minh bạch nhất cho các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, điều này còn khẳng định quyền thu thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.
Các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đã đăng ký với cơ quan thuế ngay khi cổng thông tin điện tử về thuế ra mắt và nộp các khoản thuế hiện hành từ thời điểm cổng đi vào hoạt động. Để quản lý thuế đối với doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam một cách hiệu quả, ông Nguyễn Bằng Thắng cho rằng, không chỉ có Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) cơ quan thực hiện chức năng quản lý thu thuế, mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của người sử dụng dịch vụ.
Tổng cục Thuế cũng đề nghị các bộ, ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước… phối hợp, hỗ trợ trong vấn đề liên quan đến các nội dung dịch vụ do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam cũng có các nghĩa vụ thuế tương tự các doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước bao gồm: thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm