Thị trường hàng hóa
Theo các nhà kinh tế, năm 2022 là khoảng thời gian biến động đối với nền kinh tế toàn cầu và mọi thứ có thể trở nên tệ hơn trong năm 2023. Lịch sử cho thấy các đợt tăng mạnh lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái.
Bên cạnh đó, giá khí đốt tự nhiên tiếp tục phi mã và sẽ đẩy châu Âu vào tình cảnh tương tự. Trong khi đó, chính sách Zero Covid và thị trường bất động sản gặp khó khiến Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nguy cơ giảm tốc.
Trong một kịch bản cực đoan, tất cả những điều đó xảy ra đồng thời. Khi đó, khoảng 5.000 tỷ USD sản lượng kinh tế toàn cầu có thể bị "quét sạch". Kể từ tháng 1, IMF đã vài lần cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2023, thời điểm đó, quỹ này dự đoán mức tăng trưởng sẽ ở mức 3,8%. Vào tháng 10, IMF đã hạ dự báo từ mức 2,9% được công bố vào tháng 7 xuống còn 2,7%.
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, gây ra bởi lạm phát thực phẩm và nhiên liệu tăng cao, tiếp tục ảnh hưởng đến người tiêu dùng trên toàn thế giới. Theo các nhà phân tích của IMF, việc tăng giá đã gây ra một loạt các đợt tăng lãi suất, khiến các khoản vay trở nên đắt đỏ hơn.
IMF kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, yếu tố đang gây tổn hại nhiều nhất đến nhóm các nước mới nổi và “dễ bị tổn thương”. Các nhà phân tích cảnh báo, xác suất những nguy cơ tiêu cực từ tình trạng lạm phát dai dẳng làm chậm lại nền kinh tế toàn cầu xuống mức tăng trưởng dưới 2% là 25%.
Trong nhiều thập kỷ qua, lãi suất thấp, nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc, địa chính trị ít biến động là những yếu tố then chốt mang lại thị trường và giá cả ổn định cho thế giới. Tất cả những biến số này đã biến mất năm nay đưa lạm phát lên mức cao kỷ lục, cùng tổn thất thị trường tài chính lên đến hàng nghìn tỷ.
Lãi suất chuẩn của Fed dự kiến sẽ đạt 5% vào đầu năm 2023 từ mức 0 vào đầu năm nay. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ đã và đang làm tổn hại đến nền kinh tế của Mỹ và thế giới. Rủi ro dường như đang lan rộng trên toàn thế giới vì hầu hết các quốc gia đều có chung vấn đề lạm phát và các Ngân hàng Trung ương cũng đang đi theo con đường tương tự để khắc phục tình trạng này.
Tuy nhiên, vẫn có những hy vọng cho triển vọng kinh tế toàn cầu năm tới. Thứ nhất là, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể "hạ cánh mềm" (thuật ngữ chỉ việc đưa lạm phát giảm về mục tiêu mà không làm gia tăng thất nghiệp nghiêm trọng). Thứ hai, thời tiết ấm lên có thể giúp châu Âu thoát khỏi khủng hoảng khí đốt.
Đối với Trung Quốc, ở kịch bản cơ sở, các chuyên gia cho rằng việc nước này mở cửa lại nền kinh tế sẽ giúp bù đắp tác động từ cú sập của thị trường bất động sản. Kết quả là, đất nước tỷ dân sẽ tăng trưởng mạnh hơn một chút, vào khoảng 5,7% cho năm 2023.
Một số khả năng này đã xuất hiện vào tuần trước, khi các thị trường tăng điểm do lạm phát của Mỹ thấp hơn dự kiến và các dấu hiệu về sự xoay trục của Trung Quốc khỏi chính sách Zero Covid. Còn nếu tăng trưởng của Trung Quốc vẫn chậm lại thì sẽ gây ảnh hưởng khắp thế giới. Trong đó, chịu tác động lớn sẽ các nước láng giềng châu Á của Trung Quốc, từ Hàn Quốc đến Việt Nam, và các nhà sản xuất hàng hoá lớn như Australia và Brazil.
Trước tác động của kinh tế thế giới, theo chuyên gia, Việt Nam vẫn là nền kinh tế đang duy trì được lạm phát trong tầm kiểm soát và đạt tăng trưởng kinh tế cao. Đây là cơ sở để đưa ra những nhận định lạc quan về tăng trưởng trong năm sau.
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng cao trong 2023. Tăng trưởng kinh tế Việt năm sau được kỳ vọng sẽ ở mức 6 hoặc trên 6%.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm