Thị trường hàng hóa
Đồng yên suy yếu đã thu hút những nhà đầu tư bất động sản mạo hiểm vào thị trường Nhật Bản. Đã có các tổ chức đầu tư nước ngoài huy động hàng tỷ USD cho các giao dịch bất động sản tại nước này.
Trong một thông báo vào tháng 5, công ty Gaw Capital Partners của Hong Kong cho biết đã mua lại 32 căn hộ cho thuê ở Tokyo, Osaka và các nơi khác. Công ty này cũng quan tâm đến đầu tư bất động sản văn phòng và trung tâm dữ liệu. Gaw Capital đang có kế hoạch đầu tư khoảng 470 tỷ đến 540 tỷ yen (tương đương 3,6 tỷ ~ 4,1 tỷ USD) vào Nhật Bản trong hai năm tới - nhiều hơn sáu lần so với những gì họ đã chi trước đó.
Isabella Lo - giám đốc điều hành và người đứng đầu các hoạt động của Gaw tại Nhật Bản, đã gọi Nhật Bản là một thị trường hấp dẫn có thể mang lại lợi nhuận ổn định. Bà cũng lưu ý đến lợi thế có được do đồng yên trượt giá.
Ở thời điểm cuối tháng 6, chỉ số Morgan Stanley của MUFG theo dõi giá bất động sản thương mại theo USD, dựa trên chỉ số giá của Bộ đất đai, đã giảm xuống gần với mức thấp kỷ lục năm 2014.
Không chỉ có Gaw Capital, Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) đã đạt được thỏa thuận trị giá 147,1 tỷ yên với Seibu Holdings của Nhật Bản. Thỏa thuận này bao gồm chuyển nhượng 31 bất động sản, trong đó có cả tòa nhà Prince Park Tower Tokyo và khách sạn Naeba Prince. Việc đấu thầu cho danh mục đầu tư đã bị chi phối bởi các nhà đầu tư nước ngoài ngay từ đầu.
Nhà ở cho người lớn tuổi cũng đang thu hút sự quan tâm. Nuveen, một đơn vị của Tập đoàn phi lợi nhuận TIAA ở Mỹ, có kế hoạch đầu tư gần 14 tỷ yên vào nhà ở cho người cao tuổi và các bất động sản nhà ở khác. Nuveen cũng lưu ý về sự thiếu hụt nguồn cung mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của dân số lớn tuổi.
Đầu tư bất động sản đang có dấu hiệu hạ nhiệt ở những nơi khác trên thế giới khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và các ngân hàng trung ương khác đang tăng lãi suất. Tổng giá trị vốn hóa thị trường của các quỹ tín thác đầu tư bất động sản trên toàn thế giới đã giảm 19% trong sáu tháng đầu năm nay xuống còn 2,1 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 6. Nhưng gần đây, các nhà đầu tư vào bất động sản Nhật Bản dường như đang đặt cược vào lợi nhuận vốn dài hạn do đồng yên yếu.
Theo các nhà quan sát thị trường, vẫn chưa xuất hiện nhiều các giao dịch lớn ở thời điểm hiện tại, nhưng sự “thèm muốn” của đầu tư nước ngoài dường như sẽ không sớm suy giảm. Katsumi Nakamoto, chủ tịch chi nhánh Nhật Bản của công ty đầu tư châu Âu Patrizia, cho biết: “Lãi suất vẫn đang ở mức thấp, do đó chi phí đi vay tại thời điểm mua cũng thấp. Vì vậy có thể đặt mục tiêu lợi nhuận tương đối cao." Theo CBRE, chênh lệch giữa lợi suất dự kiến đối với các tòa nhà văn phòng ở 5 phường trung tâm của Tokyo và lãi suất dài hạn đã dao động ở mức 2% và 3% kể từ năm 2010. Đây là con số rất ổn định, khi so sánh với Manhattan hoặc London.
Saburo Nishiura - Chủ tịch của công ty bất động sản Hulic tại Nhật cho biết: “Khoảng 90% số lượng đặt mua trong các cuộc đấu giá gần đây là từ các nhà đầu tư nước ngoài.”
Dòng tiền từ nước ngoài đổ vào đã mang lại nhiều thanh khoản hơn cho thị trường, nhưng không phải tất cả đều là tích cực. Ông Nishiura cảnh báo rằng giá cả đang lệch nhịp so với nhu cầu thực. "Giá thuê tại các tòa nhà văn phòng trung tâm Tokyo đang trong xu hướng giảm, nhưng với việc các nhà đầu tư nước ngoài chào mua tích cực, giá sẽ không giảm". Ông cũng nói thêm rằng trong khi thị trường đang được hỗ trợ bởi đồng yên yếu, nó vẫn có dấu hiệu hình thành một bong bóng.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm