Thị trường hàng hóa
Đồng đô la đang đạt đến đỉnh cao kỷ lục kể từ năm 1985 khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất để chống lại lạm phát lịch sử. Điều này khiến các nền kinh tế mới nổi phải đối mặt với chi phí tăng cao để trả các khoản nợ bằng đồng USD của mình.
Phó thống đốc Ngân hàng Mexico Galia Borja Gomez cho biết trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào cuối tháng 8: Những người chơi trên thị trường không tin rằng Ngân hàng Mexico có thể tách rời chính sách tiền tệ của mình khỏi Fed.
Fed trong những tháng gần đây đã thắt chặt chính sách tiền tệ trong nỗ lực làm chậm đà tăng giá. Ngân hàng Trung ương Mexico, còn được gọi là Banxico, đối mặt với áp lực phải tuân theo hoặc có nguy cơ đồng tiền của họ giảm giá so với đồng đô la Mỹ, làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát trong nước.
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tỷ giá hối đoái danh nghĩa của đồng đô la so với một rổ tiền tệ rộng lớn, bao gồm cả các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi, hiện đang ở một trong những điểm cao nhất kể từ khi bắt đầu công khai dữ liệu vào năm 1994. Quay trở lại xa hơn, nếu chỉ so sánh với tiền tệ của các nền kinh tế tiên tiến thì đồng bạc xanh đang tiến gần đến điểm cao nhất kể từ năm 1985 - ngay trước khi các nền kinh tế lớn ký Hiệp định Plaza để điều chỉnh đồng USD cực kỳ mạnh.
Trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế, các nhà đầu tư đang đổ nhiều tiền hơn vào Mỹ để tận dụng lợi thế của lãi suất cao hơn tại đây. Tỷ giá USD/Yen thậm chí đã vượt 140 - một ngưỡng không vượt qua kể từ năm 1998.
Đồng USD mạnh sẽ có tác động trên diện rộng đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở các quốc gia đang phải đối mặt với các khoản nợ bằng đồng đô la ngày càng tăng. Theo Viện Tài chính Quốc tế, nợ công và tư nhân ở các nước đang phát triển đã tăng khoảng 10% trong một năm lên 98,6 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 3.
Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, nợ ở các nước mới nổi và đang phát triển bằng 207% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước này vào năm 2020 - mức tăng đáng kể từ 56% năm 1970 và 119% năm 2010.
COVID-19 chỉ làm trầm trọng thêm xu hướng này. Sau khi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy hoạt động kinh tế trong bối cảnh đại dịch, các nhà đầu tư đã đổ xô đến các quốc gia mới nổi để tìm kiếm lợi suất cao hơn. Một phần tư nợ chính phủ ở các quốc gia mới nổi quan trọng được tính bằng ngoại tệ vào năm 2020, tăng so với mức 15% trong năm 2009.
Trong lịch sử, đồng đô la tăng mạnh đã gây ra nhiều vấn đề cho các nền kinh tế mới nổi. Khi Mỹ đối mặt với lạm phát tăng vọt vào những năm 1980, chủ tịch Fed lúc đó là Paul Volcker đã phản ứng bằng một chiến dịch thắt chặt tích cực khiến lãi suất và đồng đô la tăng vọt.
Mặt khác, dòng tiền luân chuyển trên khắp thế giới đã tăng lên sau cú sốc Nixon năm 1971 - khi cựu Tổng thống Richard Nixon đã loại bỏ đồng đô la khỏi bản vị vàng. Các quốc gia giàu dầu mỏ bán phá giá tiền mặt mà họ kiếm được trong cú sốc giá dầu cho các ngân hàng lớn của Hoa Kỳ. Từ đó làm dấy lên cơn sốt đầu tư vào Trung và Nam Mỹ dưới hình thức cho vay hợp vốn.
Hơn một nửa số nợ nước ngoài mà các quốc gia Trung và Nam Mỹ nắm giữ vào thời điểm đó được cho là bằng đồng đô la. Nhiều người phải vật lộn để trả nợ khi đồng đô la mạnh lên và lãi suất của Mỹ ngày càng tăng, ngay cả khi nền kinh tế của họ suy yếu và giá hàng hóa bị giảm.
Các đợt tăng lãi suất lớn của Mỹ vào giữa những năm 1990 dưới thời Chủ tịch Fed khi đó là Alan Greenspan đã mở đường cho một cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Mexico. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á diễn ra sau khi các nhà đầu tư bắt đầu bán đồng baht của Thái Lan và các loại tiền tệ có tỷ giá cố định với USD mà họ cho là quá đắt.
Nhiều nền kinh tế mới nổi kể từ đó đã và đang nỗ lực cải thiện cán cân thanh toán và tăng cường dự trữ ngoại hối để tự bảo vệ mình tốt hơn trước khủng hoảng. Một số quốc gia mới nổi đã tăng lãi suất trước Hoa Kỳ vẫn đang giữ được sự ổn định cho đồng tiền của mình.
Tuy nhiên, một số quốc gia đã bắt đầu chùn bước. Sri Lanka đã vỡ nợ nước ngoài vào đầu năm nay, trong khi Bangladesh và Pakistan đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Lạm phát tiếp tục kết hợp với đồng USD tăng mạnh có thể đẩy nhiều quốc gia vào tình trạng vỡ nợ. Nợ cao và thâm hụt tài khoản đang khá lớn ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. "Có nguy cơ căng thẳng tài chính sẽ xuất hiện ở các nền kinh tế này và kìm hãm sự phục hồi của họ sau đại dịch" - Ngân hàng Thế giới đưa ra cảnh báo trong một báo cáo tháng 6.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm