Thị trường hàng hóa
Thậm chí đã có những dự báo từ nhiều chuyên gia rằng nếu không nhận được thêm những sự trợ lực kịp thời và hiệu quả để tháo gỡ khó khăn về chi phí, nguồn vốn, thuế… một loạt doanh nghiệp Việt Nam sẽ buộc phải rời thị trường.
1. Ngay từ tháng 9/2022, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đưa ra những thông tin đầy ảm đạm của ngành. Cụ thể, ông cho biết, trước những ảnh hưởng lạm phát trên thế giới, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng cho tháng 11 và 12/2022. Tình trạng này dự kiến kéo dài đến quý 1/2023 với mức giảm bình quân 25-27%.
Sự khó khăn ấy không chỉ ngành dệt may phải đối mặt. Với lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết không ít doanh nghiệp đã phải dừng, hoãn nhiều dự án đang triển khai, thậm chí sa thải bớt nhân viên. Với riêng các đơn vị môi giới và sàn giao dịch, thống kê trong phạm vi một phân khúc cho thấy khoảng 100.000 nhân viên môi giới đã phải nghỉ việc hoặc chuyển sang công việc khác.
Với các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều, năm 2022, Bộ NN&PTNT giao cho chỉ tiêu xuất khẩu cho ngành điều khoảng 3,8 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2021. Tuy nhiên, khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ, thị trường xuất khẩu đang rất khó khăn, lạm phát ở Mỹ leo thang, EU cũng rơi vào khủng hoảng kinh tế, xuất khẩu điều năm 2022 thậm chí khó chạm đến con số 3,2 tỷ USD. “Các doanh nghiệp lớn đình trệ sản xuất, nhà máy vừa và nhỏ đã phải đóng cửa vì thiếu đơn hàng”, ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) thông tin.
Khó chồng khó, gian nan bủa vây, cộng đồng doanh nghiệp Việt những tháng cuối năm lao đao chưa từng có. Số liệu mới nhất từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết có 132.339 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 11 tháng đầu năm 2022, tăng 24,3% so với cùng giai đoạn năm 2021 và cao hơn 1,3 lần mức bình quân cùng giai đoạn từ 2017 tới 2021. Thống kê từ VCCI cũng cho thấy 11 tháng đầu năm 2022, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 doanh nghiệp tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường.
2. “Sức khỏe” hay sức sống của doanh nghiệp được xem là “sức khỏe”, là sức sống của nền kinh tế. Vì thế, cứu doanh nghiệp là cứu nền kinh tế. Muốn có được một nền kinh tế Việt Nam 2023 tiếp tục được đà phục hồi mạnh mẽ như đã có như trong năm 2022, thì ngoài việc nỗ lực tự thân của doanh nghiệp thì việc hỗ trợ, tiếp sức cho doanh nghiệp được xem là điều buộc phải làm và làm ngay.
Theo nhiều chuyên gia, sự trợ lực đầu tiên và trước hết phải từ câu chuyện thuế. Nhiều chính sách hỗ trợ sẽ kết thúc vào cuối năm 2022 như giảm 2% thuế giá trị gia tăng, gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất… Từ năm sau, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được cho là sẽ tăng 3.000 đồng/lít xăng, 2.000 đồng/lít diesel. Vì thế, theo TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cần tiếp tục kéo dài các chính sách miễn giảm và gia hạn thuế như đang áp dụng trong năm 2022 cho năm 2023. “Ngay từ bây giờ, Bộ Tài chính sớm đề xuất lên Chính phủ tiếp tục miễn giảm và gia hạn một số khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Đề xuất nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường sắp diễn ra để được thông qua và áp dụng ngay” - ông Lực khuyến nghị.
Cùng chung góc nhìn, TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng trong bối cảnh thu ngân sách giảm, ngoài việc Bộ Tài chính cần rà soát lại để thu đúng, thu đủ kế hoạch, không để thất thoát ngân sách, thì giải pháp giãn nộp thuế sẽ là giải pháp nuôi dưỡng nguồn cho doanh nghiệp tốt nhất trong thời gian tới.
Cũng đồng tình với những quan điểm này, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đầu tháng 11 về một số vấn đề rào cản, thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi và phát triển bền vững của doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, đã đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ DN đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Như là, chính sách giảm 2% thuế VAT, chính sách giãn, hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định số 96 của Chính phủ; các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ,...
Ngoài thuế, vốn cũng là một trong những vấn đề nan giải nhất mà các doanh nghiệp Việt cần được hỗ trợ giúp sức hiện nay. “Hụt hơi” vì thiếu vốn nhưng điều trớ trêu là doanh nghiệp đang không dễ tiếp cận hầu hết kênh huy động vốn. “Chúng tôi rất cần vốn để duy trì hoạt động nhưng mấy tháng qua không thể tiếp cận được nguồn tín dụng ưu đãi nào. Trong khi đó, lãi suất vay bình thường khá cao mà cũng không dễ giải ngân. Chúng tôi đã chọn vay bằng USD để được hưởng lãi suất không quá cao, chỉ khoảng 4%/năm, song thời gian gần đây lại gặp biến động lớn về tỷ giá”, chia sẻ đầy ngao ngán của ông Trần Văn Quang - Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Khánh Xương cũng là cảm xúc của phần đa doanh nghiệp nhỏ và vừa lúc này.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã quyết định nới “room” tín dụng để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực, mở rộng tín dụng với những doanh nghiệp, đối tượng, lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế trong thời gian tới. Với mức tăng thêm 1,5-2%, ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc NHNN ước tính 240.000 tỷ đồng sẽ được cung ứng cho nền kinh tế. “Đây là dư địa khá lớn để các ngân hàng cung ứng vốn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế”, ông Tú nói với báo chí.
Tuy nhiên, ông Lê Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch Hội DN TP.HCM (HUBA) cho rằng: “Đã bước vào tháng cuối cùng của năm, chúng ta không nên bàn câu chuyện nới “room” tín dụng hay không nữa. Đến năm 2023, hệ thống ngân hàng sẽ có room mới. Vấn đề quan trọng hiện nay là cần ưu tiên giải ngân cho các DN sản xuất những hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm, những ngành nghề sử dụng nhiều lao động và ngành xuất khẩu nông - lâm - thủy sản để mang ngoại tệ về”.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thì đề nghị các cơ quan quản lý có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các ngân hàng thương mại tích cực giảm lãi suất cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ qua giảm thuế, phí cho các ngân hàng này với mức giảm cao hơn so với quy định hiện nay. Đồng thời, xem xét có cơ chế hỗ trợ các ngân hàng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý. Ngoài ra, rà soát lại các quy định liên quan đến ngành nghề, đối tượng được hưởng, các điều kiện vay vốn… Ở mức độ vĩ mô hơn, Ban IV đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham vấn các chuyên gia tài chính, chính sách uy tín trong nước, quốc tế để đánh giá bối cảnh và nhận diện giải pháp.
3. Năm 2022, kinh tế Việt Nam được dự báo lạc quan với mức tăng trong khoảng từ 6,5% đến 7%, nếu tích cực có thể đạt trên 8%. Kết quả đó là thành quả của nhiều yếu tố hợp thành, trong đó có những tác động tích cực từ các chính sách tài khóa thể hiện rõ quan điểm và mục tiêu hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp phục hồi và tạo đà cho nền kinh tế tăng trưởng. Các chính sách tài chính được đánh giá là nhanh, kịp thời, đóng góp rất quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế. Dù mức độ thực hiện có khác nhau, song doanh nghiệp tiếp cận về thuế, phí là nhanh nhất và trên diện rộng nhất. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước trong năm 2022.
Và giờ đây, trong những khó khăn đang bủa vây rình rập trước thềm năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp vẫn nuôi trong mình kỳ vọng, họ sẽ tiếp tục không đơn độc trên hành trình phát triển. Bối cảnh dư địa chính sách tài khóa tiền tệ không nhiều hiện nay khó có thể kỳ vọng những biện pháp hỗ trợ có tính đột phá từ Chính phủ, tuy nhiên “một miếng khi đói”, nói như TS. Vũ Tiến Lộc, một khoản hỗ trợ thanh khoản nhỏ thôi đôi khi cũng “cứu được cả một doanh nghiệp” và những chính sách đã phát huy hiệu quả trong năm 2022 sẽ tiếp tục được lan tỏa và giúp doanh nghiệp linh hoạt thích ứng và đứng vững trong năm 2023 đầy thách thức.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm