Thị trường hàng hóa
Chìa khoá đạt Net Zero
Tại COP 26 năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Theo giới chuyên gia, để Net Zero, cần phải sử dụng tất cả các công nghệ hiện có để cắt giảm lượng khí thải càng gần bằng 0 càng tốt, trước khi bù đắp phần còn lại.
Net Zero bao gồm 3 phạm vi khí nhà kính. Trong đó, phạm vi 3 bao gồm toàn bộ chuỗi giá trị của công ty, từ nguồn cung cấp được mua cho đến quá trình xử lý cuối vòng đời sản phẩm.
Do đó, phát thải phạm vi 3 đôi khi được gọi là phát thải chuỗi giá trị và có thể là chìa khóa để giúp doanh nghiệp (DN) đạt được mức phát thải ròng bằng 0.
Tại diễn đàn “Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2023” diễn ra mới đây, kinh nghiệm quản lý chuỗi cung ứng xanh được nhiều DN chia sẻ.
Quản lý chuỗi cung ứng xanh là sự kết hợp giữa yếu tố môi trường và quản trị chuỗi cung ứng bao gồm cả thiết kế sản phẩm, tìm kiếm - lựa chọn nguyên liệu, sản xuất và phân phối đến tay người tiêu dùng.
Bảo đảm nguyên liệu bền vững
Bà Lê Thị Hoài Thương - Quản lý Đối ngoại và Truyền thông cấp cao của Nestle Việt Nam nhấn mạnh, chuỗi cung ứng là xương sống, là cấu phần rất quan trọng với mỗi DN.
Đặc biệt, đối với các DN trong ngành thực phẩm, việc giữ được chuỗi cung ứng xanh vì mục tiêu phát triển bền vững. Với nguồn nguyên liệu có chất lượng từ nguồn sản xuất, canh tác cho đến vận chuyển tới nhà máy phải bảo đảm đươc thời gian đã được tính trước. Sau đó đến việc giao sản phẩm đến tay người tiêu dùng, điều này rất quan trọng.
Theo bà Thương, trong toàn bộ cam kết Net Zero thì phạm vi 3 luôn luôn chiếm tỷ trọng lớn và khó thực hiện bởi nó đòi hỏi nhiều bên cùng hành động để chung tay thực hiện mục tiêu.
Theo tính toán của Nestle, gần 90% lượng phát thải trên toàn cầu của tập đoàn đến từ phạm vi số 3. Trong đó, hơn 70% lượng phát thải đến từ nguồn nguyên liệu nông nghiệp.
Mặc dù Nestle có tất cả các hành động trên toàn bộ chu trình từ đồng ruộng cho đến bàn ăn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong phạm vi số 3 - nơi cung ứng nguyên liệu là nơi công ty tập trung nhiều nhất.
Việc tập trung vào nguồn cung ứng nguyên liệu bền vững sẽ bảo đảm chất lượng nguyên liệu, bảo đảm được nguồn cung bền vững, không bị đứt gãy.
Nestle là một trong những nhà mua cà phê lớn nhất của Việt Nam. Hàng năm công ty mua trung bình 25% tổng lượng cà phê của Việt Nam, cả cà phê xanh và cà phê qua chế biến, để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ngoài việc nâng cao năng lực quản lý của người nông dân trong sản xuất và kinh doanh cà phê, công ty cũng hợp tác với một số viện nghiên cứu, trung tâm khuyến nông, các sở NN&PTNT nhằm khôi phục dinh dưỡng cho đất, chống xói mòn, bảo tồn nguồn nước, có thể làm tăng đa dạng sinh học…
Các hoạt động này đã giúp giảm khoảng 40% lượng nước tưới của người nông dân, giảm được 20% thuốc bảo vệ thực vật và đồng thời tăng 30%, thậm chí có những hộ tăng 100% thu nhập thông qua tăng năng suất và giảm chi phí đầu vào.
“Cách làm này vừa giúp tăng sinh kế cho người nông dân vừa giúp cho tập đoàn có nguồn cung bền vững. Việc bảo đảm nguồn cung bền vững giúp DN tránh được những rủi ro từ việc thay đổi những quy định của thế giới khiến đứt gãy chuỗi cung ứng”, bà Thương cho hay.
Xanh hoá quy trình sản xuất
Ông Hà Mạnh - Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 cho rằng, trong chuỗi cung ứng sản phẩm sản xuất xanh và sạch không phải chỉ cần mỗi nguyên liệu xanh mà trong quá trình vận hành, sản xuất cũng phải bảo đảm việc xanh hoá.
Theo đó, các DN cần tập trung đầu tư đổi mới công nghệ để giảm bớt tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải.
Từ kinh nghiệm thành công của Tổng công ty May 10, ông Mạnh cho rằng, các DN cũng cần xây dựng chính sách trong nội bộ DN như bộ tiêu chuẩn quản lý năng lượng, triển khai việc kiểm toán năng lượng để tìm ra biện pháp đầu tư, cải tạo, cải tiến giảm việc tiêu hao năng lượng điện. Trong sử dụng năng lượng, May 10 đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời.
DN có thể tự đầu tư hoặc phối hợp với các quỹ đầu tư nước ngoài để giảm bớt áp lực chi phí đầu tư trong thời buổi khó khăn và sự cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay.
Trong những năm qua, để sản phẩm xuất khẩu vào được những thị trường khó tính như châu Âu, DN phải đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu liên quan đến việc xanh hoá sản phẩm.
Đơn cử, châu Âu có quy định sản phẩm phải bảo đảm yêu cầu có sử dụng nguyên liệu tái chế, sản phẩm có độ bền cao, có khả năng sửa chữa và có tính tiêu huỷ nhanh, có thể tái sử dụng.
Không phải đến bây giờ mà ngay từ khi có xu hướng dịch chuyển nền sản xuất xanh, sản xuất sạch hơn và sản phẩm có yếu tố xanh hoá thì công ty đã đặt ra mục tiêu để tồn tại, phát triển bền vững. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng đến từ những nước phát triển cũng như đáp ứng mục tiêu do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đề ra.
Mục tiêu của VITAS trong năm 2023 phải giảm 15% năng lượng điện tiêu thụ trên đơn vị sản phẩm, giảm tới 20% lượng tiêu thụ nước và phấn đấu đến 2030 xanh hoá ngành dệt may Việt Nam.
Tuy vậy, khó khăn của DN hiện nay là phải tìm kiếm nguồn nguyên liệu có thành phần tái chế. Nhiều DN Việt Nam đã đầu tư và cũng đã sản xuất theo yêu cầu này nhưng lượng cung chưa nhiều do phụ thuộc nhiều vào nhà cung cấp trên thế giới.
Ứng dụng nhiều công nghệ
Bà Vũ Thị Minh Tú - Giám đốc đối ngoại công ty Lazada Việt Nam cho biết, đảm nhận vai trò trong chặng cuối của chuỗi cung ứng, DN đã có nhiều sáng kiến góp phần xây dựng chuỗi cung ứng xanh, phát triển bền vững.
Hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử nên đơn vị ứng dụng nhiều công nghệ như trí tuệ nhân tạo, công nghệ… nhằm tối ưu hoá hoạt động vận hành trong việc phân loại, đóng gói, vận chuyển hàng hoá và tối ưu hoá quãng đường giao hàng cho mỗi một sản phẩm. Qua đó, đóng góp cho việc giảm phát thải khí nhà kính.
Lazada Việt Nam dùng công nghệ để tối ưu hoá quãng đường vận chuyển cho shipper. Theo đó mỗi shipper có thể giao được 200 đơn hàng mỗi ngày, thậm chí nhiều hơn thay vì chỉ giao được mấy chục đơn hàng mỗi ngày như trước đây.
“Việc ứng dụng công nghệ giúp nâng cao hiệu quả lao động cho người giao hàng, vừa giúp giảm thời gian xe phải chạy trên đường. Từ đó giảm khí phát thải, nâng cao hiệu quả kinh tế của các bên tham gia”, bà Tú nói.
Để góp phần giảm khí phát thải, bảo vệ môi trường, năm 2023, Lazada Việt Nam cũng thí điểm giao hàng bằng 50 chiếc xe đạp điện, 100 xe máy điện.
Trong hoạt động đóng gói, công ty chú trọng đến những sáng kiến giúp giảm thiểu vật liệu đóng gói. Thay vì sử dụng túi bóng khí để chèn lót hàng hoá tránh bị vỡ, bộ phận logistics có sáng kiến sử dụng lại bìa carton cũ hoặc bìa carton lấy ra từ hàng hoá đóng gói sẵn của nhà sản xuất, cắt ra làm vật liệu chèn lót.
“Nhờ vào việc sử dụng và tái sử dụng bìa carton để chèn lót hàng hoá, những tháng cao điểm trong năm 2021, công ty đã tiết giảm được 2 tấn nguyên vật liệu nhựa trong đóng gói mỗi tháng”, bà Tú chia sẻ.
Ngoài ra, Lazada cũng là một trong những DN tiên phong trong ngành thương mại điện tử sử dụng bao bì bìa carton làm từ giấy được chứng nhận FSC để đóng gói hàng hoá. Đồng thời có những hoạt động góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng như thực hiện chiến dịch LAZEARTH nhân Chiến dịch Giờ trái đất, đưa các sản phẩm thân thiện với môi trường đến tay người tiêu dùng…
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm