Thị trường hàng hóa
Chiều ngày 15/2, Công ty cổ phần FiinGroup - đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ thông tin và dữ liệu tài chính phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) tổ chức Tọa đàm "Điểm sáng đầu tư năm 2023".
Khi nói đến trái phiếu “ai cũng chán” thì đó là lúc đầu tư rất tốt
Bình luận về kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp năm 2023, ông Đào Phúc Tường, Chuyên gia tài chính cho rằng, kênh đầu tư trái phiếu vẫn là kênh đầu tư khá tốt, rất tốt cho năm 2023 và năm 2024.
Bởi mặt bằng lãi suất đi xuống cộng thêm môi trường kinh doanh khó khăn nên những doanh nghiệp tốt cũng phải đẩy lãi suất huy động trái phiếu lên để đáp ứng hoạt động kinh doanh.
“Nhìn khoảng thời gian 2020-2021, đa phần trái phiếu đến tay nhà đầu tư lợi tức 8-9%, trong khi lãi suất ngân hàng 6-7%, lợi nhuận bù rủi ro dao động từ 1-3% nhưng thời điểm hiện tại thì nhiều trái phiếu xác suất vỡ nợ cực thấp” - ông Đào Phúc Tường phân tích.
Theo ông Tường, lợi tức trái phiếu gấp đôi gửi ngân hàng với kỳ hạn tương đương, trên môi trường lãi suất đi xuống thì đó là kênh hấp dẫn với nhà đầu tư thụ động. "Bây giờ nói trái phiếu ai cũng chán, thì đó là lúc kênh đầu tư rất tốt" - ông Tường nhấn mạnh.
Ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm, FiinRatings lại cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ hồi phục theo hình chữ L, đi ngang 1 thời gian trong vòng 12-18 tháng tới.
Theo ông Khang, khi mọi thứ rõ ràng thì vấn đề liên quan đến sai phạm sẽ được xử lý rốt ráo, trái phiếu lúc đó sẽ trở về trạng thái bình thường, góc nhìn nhà đầu tư cá nhân cải thiện, số lượng sai phạm trên thị trường không nhiều. Thực tế, sau những ồn ào, nhiều doanh nghiệp đang đảm bảo thanh toán lãi và gốc rất đúng hạn.
Nhận diện điểm sáng
Theo các chuyên gia triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023 vẫn đang là một dấu hỏi lớn trước áp lực đáo hạn lớn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nền lãi suất cao đan xen với những tín hiệu tích cực từ sự phát triển của nền kinh tế, đầu tư từ nước ngoài, đầu tư công và triển vọng thương mại quốc tế...
Nhận diện về thách thức và điểm sáng của thị trường chứng khoán năm 2023, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng phân tích chứng khoán, Công ty cổ phần FiinGroup cho rằng, về bối cảnh vĩ mô, kỳ vọng lãi suất có dư địa lớn hạ nhiệt trong thời gian tới khi lạm phát dự kiến sẽ dịu bớt đi.
Còn về bối cảnh thị trường, bà Vân cho biết đang quan sát 3 biến số, đó là thanh khoản và giao dịch ký quỹ (vay margin); định giá của thị trường và dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài.
Theo bà Vân, thanh khoản thị trường đang ở mức rất thấp so với giai đoạn VN-Index đạt đỉnh. Cụ thể, thanh khoản thị trường giảm khoảng 60%, trong khi đó VN-Index giảm khoảng 30% so với mức đỉnh. Trong khoảng 5 tháng gần đây dường như thanh khoản đang đi tìm mặt bằng ổn định mới. Đây là điểm khá tích cực, nhất là trong bối cảnh dư nợ cho vay margin của công ty chứng khoán giảm rất sâu.
“Có gần 80% lượng margin các công ty chứng khoán đã cấp cho nhà đầu tư năm 2021 được thu hồi. Còn đối với nhà đầu tư cá nhân, họ cũng bán gần 80% tổng giá trị đã mua ròng trong năm 2021. Do đó, dù thanh khoản thị trường thấp, nhưng không bị chi phối quá nhiều bởi dòng tiền rẻ, hay tỷ lệ đòn bẩy cao như giai đoạn 2020 và 2021” - bà Vân nhận định.
Liên quan đến mặt bằng định giá P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu), rõ ràng sau khi kết quả kinh doanh quý IV/2022 của các doanh nghiệp được cập nhật thì P/E có mức tăng từ 9,9 lần lên khoảng 11,6 lần. Mức tăng P/E ngoài câu chuyện bị ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh kém tích cực của doanh nghiệp niêm yết còn bị ảnh hưởng bởi kỳ vọng về lãi suất hạ nhiệt.
Về dòng tiền ngoại, trong thời gian qua, lực mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã hỗ trợ rất tích cực cho đà hồi phục của cổ phiếu nhóm ngành thép, ngân hàng... Tuy nhiên, thời điểm này lực mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài đang yếu dần.
Bà Vân cho rằng, bối cảnh hiện tại thị trường chứng khoán có 3 điểm tích cực, đó là hầu hết các rủi ro về mặt vĩ mô thị trường đã nhận diện và phản ánh vào giá cổ phiếu. Những rủi ro nội tại của thị trường như bán giải chấp cổ phiếu (công ty chứng khoán thực hiện bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư để hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định) giảm đi đáng kể.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán mở đầu năm 2023 với mặt bằng định giá thấp. Đây là điều trái ngược so với năm 2022, dù có những nhóm ngành triển vọng lợi nhuận chưa phản ánh vào giá, nhưng với nền định giá thấp như vậy đã xuất hiện rất nhiều cổ phiếu về vùng giá hấp dẫn khi triển vọng lợi nhuận năm 2023 được đánh giá tích cực.
Bà Vân khuyến nghị, dù mặt bằng lãi suất có thể đã tạo đỉnh và giảm trong thời gian tới, nhưng nhà đầu tư cần lưu ý về tốc độ giảm. Đồng thời, nhà đầu tư cần xem xét thêm yếu tố lạm phát cũng như diễn biến của dòng vốn ngoại.
Trong diễn biến liên quan, Bộ Tài chính mới đây đã trình Chính phủ Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh hàng loạt khó khăn xuất hiện trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022 với nhiều quy định mới được đề xuất.
Các quy định mới này được kỳ vọng tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp thông qua biện pháp linh hoạt, phù hợp với quy định pháp luật, như cơ cấu lại kỳ hạn, lãi suất, đa dạng hóa công cụ thanh toán, thanh toán trước hạn...
Cụ thể, nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác như sản phẩm bất động sản hoặc cổ phần doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ tài chính trình Chính phủ quy định trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tiền thì có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác theo nguyên tắc: Tuân thủ quy định pháp luật; phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận; doanh nghiệp phải công bố thông tin và chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Đồng thời, Dự thảo mới quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ được đàm phán để thay đổi kỳ hạn, tối đa 2 năm; bổ sung quy định trường hợp đàm phán thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu mà có nhà đầu tư không chấp thuận thì doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ lãi, gốc trái phiếu cho nhà đầu tư này.
Mặt khác, dự thảo mới cũng ngưng hiệu lực thị hành với một số quy định tại Nghị định số 65 đến hết ngày 31/12/2023. Cụ thể, giãn thời gian thực hiện thêm 1 năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Theo đó, nếu được thông qua, quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bảo đảm danh mục nắm giữ có giá trị trung bình 2 tỷ đồng tối thiểu trong 180 ngày, không bao gồm tiền đi vay sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2024, thay vì từ đầu năm 2023 như Nghị định 65/2022.
Bộ Tài chính nhìn nhận, quy định này sẽ giúp thị trường có thêm thời gian để điều chỉnh và doanh nghiệp có thể duy trì nhu cầu đầu tư trái phiếu từ nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản khó khăn.
Quy định mới còn lùi thời hạn bắt buộc xếp hạng tín nhiệm khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu khối lượng lớn. Cụ thể, theo Nghị định 65/2022, từ đầu năm 2023, hồ sơ chào bán của doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm, trong khi, Dự thảo Nghị định (sửa đổi) đề xuất, lùi tới đầu năm 2024.
Đồng thời, Dự thảo đề xuất ngưng thực hiện quy định về giảm thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt là 90 ngày. Từ 1/1/2024 sẽ áo dụng quy định tại Nghị định 65 là 30 ngày.
Trước đó, báo cáo triển vọng thị trường vốn năm 2023 vừa công bố, FiinRatings ước tính đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ có điểm rơi vào năm 2023 và 2024, tương đương 157,97 và 341,27 nghìn tỷ.
Theo FiinGroup, thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu. Tuy nhiên, kỳ vọng áp lực đáo hạn sẽ được giải tỏa nếu dự thảo sửa đổi Nghị định 65 cho phép gia hạn nợ được thông qua.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm