Thị trường hàng hóa
Theo dự thảo, đấu giá ngược là quá trình lặp đi lặp lại trong khoảng thời gian nhất định việc các nhà thầu đưa ra mức giá dự thầu mới, các yếu tố khác ngoài giá có thể định lượng được làm cơ sở cho việc xếp hạng hoặc xếp hạng lại hồ sơ dự thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Các yếu tố khác ngoài giá được phép thay đổi phải định lượng được và được quy định trong hồ sơ mời thầu. Hồ sơ dự thầu được so sánh, xếp hạng theo các tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu, bao gồm tiêu chuẩn đánh giá cho các yếu tố ngoài giá này.
Đấu giá ngược bao gồm đấu giá ngược theo quy trình thông thường và đấu giá ngược theo quy trình rút gọn.
Đấu giá ngược theo quy trình thông thường áp dụng trong các trường hợp: Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản, đã được tiêu chuẩn hóa; Gói thầu mua sắm hàng hóa mà hàng hóa đó có thông số kỹ thuật cụ thể, rõ ràng; hàng hóa được tiêu chuẩn hóa, đơn giản và thường có sẵn trên thị trường, có sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp; tiêu chuẩn đánh giá quan trọng nhất là giá, không có hoặc ít có yếu tố tác động của chi phí vòng đời.
Nhóm hàng hóa, dịch vụ có thể áp dụng đấu giá ngược bao gồm: Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng cơ bản (quặng sắt, cốt liệu đường, vật liệu xây dựng, ống đồng và các nguyên liệu khác); Thiết bị công nghệ thông tin đã được chuẩn hóa gồm máy tính, hộp mực, các modem và các thiết bị khác; Giấy in, giấy photocopy, thiết bị y tế đơn giản, bóng đèn; Năng lượng, điện, than hoặc khí đốt; Hóa chất; Dịch vụ vận chuyển, dịch vụ vệ sinh, dịch vụ bảo trì.
Đấu giá ngược theo quy trình rút gọn được áp dụng trong các trường hợp: Gói thầu đối với dự toán mua sắm có giá trị không quá 300 triệu đồng; Gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công, bao gồm: gói thầu phi tư vấn, hàng hóa có giá gói thầu trong hạn mức không quá 01 tỷ đồng.
Nhà thầu có thể liên tục thay đổi mức giá, các yếu tố khác ngoài giá (nếu có) của mình trong thời gian đấu giá ngược. Mức giá các yếu tố khác ngoài giá (nếu có) do các nhà thầu chào được công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhưng tên nhà thầu không được công khai. Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tự động xếp hạng và công khai thứ tự xếp hạng của nhà thầu trong thời gian đấu giá ngược; số lượng nhà thầu tham gia; thời gian còn lại của quá trình đấu giá ngược.
Trường hợp giá dự thầu là yếu tố duy nhất được phép chào lại và gói thầu đánh giá theo phương pháp giá thấp nhất mà có nhiều nhà thầu cùng chào giá thấp nhất thì nhà thầu chào giá đầu tiên thấp nhất trúng thầu.
Trường hợp không sử dụng phương pháp giá thấp nhất, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tự động xếp hạng nhà thầu theo tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu mà có nhiều nhà thầu cùng xếp hạng thứ nhất thì nhà thầu xếp hạng thứ nhất đầu tiên trúng thầu.
Thời gian đấu giá ngược tối thiểu là 03 ngày làm việc, thời điểm kết thúc đấu giá ngược phải nằm trong khung giờ hành chính.
Mua sắm trực tuyến (e-shopping) là việc mua trực tiếp hàng hóa, dịch vụ từ nhà thầu đã trúng thầu mua sắm tập trung trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Dự thảo đề xuất 2 phương án: Phương án 1: Mua sắm trực tuyến (e-shopping) áp dụng trong trường hợp cơ quan có nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ đã có kết quả đấu thầu mua sắm tập trung.
Phương án 2: Mua sắm trực tuyến (e-shopping) áp dụng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm có giá gói thầu trong hạn mức từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng; gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công, bao gồm: gói thầu phi tư vấn, hàng hóa có giá gói thầu trong hạn mức không quá 01 tỷ đồng.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm