Thị trường hàng hóa
Tuy nhiên, chúng ta nên chọn lọc để Việt Nam là công xưởng của thế giới nhưng không thành vùng đệm.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, năm 2022, nền kinh tế của Việt Nam đã đạt được thành công rất lớn trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao.
Sự điều hành chính sách của Chính phủ, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và của toàn bộ hệ thống chính trị đã rất linh hoạt, hiệu quả. Như chính sách tiền tệ luôn luôn đưa mục tiêu kiểm soát lạm phát trong điều hành chính sách tiền tệ. Chính vì vậy, chúng ta kiểm soát thành công lạm phát.
Dự báo về tình hình lạm phát năm 2023, Chính phủ cũng như Quốc hội cũng đã nhìn nhận được sức ép về lạm phát đối với nền kinh tế. Bởi vậy, Chính phủ đã trình Quốc hội và Quốc hội phê duyệt mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%.
“Để kiểm soát được lạm phát trong khoảng 4,5% trong năm 2023 không phải dễ dàng, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam có độ trễ so với kinh tế thế giới. Các chính sách của chúng ta cũng có độ trễ. Việt Nam đang đối mặt với một số sức ép về lạm phát khi thực thi các chương trình giải pháp kinh tế”, ông Lâm nói.
Đó là các sức ép về tổng cầu, giá nguyên liệu trên thế giới và sự vận hành của nền kinh tế.
Năm 2023 là năm thứ hai Việt Nam thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với tổng cầu tăng đột biến, đặc biệt là tổng cầu về giải ngân vốn đầu tư.
Hoạt động sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều và nguyên nhiên vật liệu sẵn có. Mặc dù giá nguyên nhiên vật liệu thế giới đã suy giảm nhưng vẫn ở mức cao, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng vẫn diễn ra.
Về sự vận hành của nền kinh tế, nếu năm nay các mặt hàng chiến lược như điện, dịch vụ y tế, giáo dục điều chỉnh giá, phí thì sẽ tác động rất lớn tới lạm phát.
“Đã 4 năm nay chưa điều chỉnh giá điện. Nếu vào thời điểm thích hợp của năm 2023 mà điều chỉnh thì cũng sẽ tác động khá lên lạm phát. Chúng tôi tính toán nếu giá điện tăng 8% sẽ tác động vào lạm phát khoảng 0,4%, nếu tăng 10% thì tác động lên lạm phát là 0,6%.
Quốc hội đã phê duyệt tăng lương từ 1/7, mức lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%). Điều này sẽ tác động toàn phần vào tăng giá khoảng 0,6 điểm phần trăm. Ngoài ra phí dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục... Đó là một số sức ép lạm phát chúng ta đã nhìn thấy ngay được trong năm 2023. Ngoài ra còn một số sức ép khác nữa như thiên tai, giá năng lượng, xăng dầu, chúng ta không thể đánh giá được”, ông Lâm nhận định.
Đối với sự mở cửa của nền kinh tế Trung Quốc, ông Lâm cho biết: Theo tính toán, Trung Quốc mở cửa lại biên giới là giá nguyên nhiên vật liệu của thế giới tăng tới 20%, khiến lạm phát thế giới tăng.
Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam lại phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Đây cũng là một nguyên nhân chủ yếu để Chính phủ, Quốc hội nhìn thấy sức ép lạm phát và đưa ra mục tiêu khoảng 4,5%. Nhưng để thực hiện được mục tiêu này trong năm 2023 không phải đơn giản.
Trước câu hỏi tại Việt Nam, các tập đoàn lớn như Tập đoàn LEGO triển khai dự án tỷ USD; Apple sản xuất Apple Watch và MacBook; Samsung, LG tập trung phát triển nhiều nhà máy có khiến Việt Nam trở thành công xưởng của thế giới không, trong bối cảnh các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang lấn át về xuất khẩu nhưng mang lại không nhiều ngân sách cho Nhà nước? Ông Lâm cho rằng, môi trường đầu tư của Việt Nam đang rất thuận lợi.
Đó là môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách rõ ràng nhất quán, đội ngũ lao động rẻ, vị trí địa kinh tế của Việt Nam cũng rất tốt. Điều này sẽ thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
“Tín hiệu rất mừng là Tập đoàn LEGO đang triển khai dự án hàng tỷ USD và một loạt công ty về điện tử lớn sẽ đầu tư vào Việt Nam trong năm 2023. Nhưng cần lưu ý, đầu tư nước ngoài chúng ta nên chọn lọc để Việt Nam là công xưởng của thế giới nhưng không thành vùng đệm của các nước để tránh tác động tiêu cực từ các cuộc chiến tranh thương mại và trừng phạt quốc tế của các nước lớn”, ông Lâm nhấn mạnh.
Đầu tư nước ngoài làm cho nền kinh tế xuất siêu, nhưng đầu tư nước ngoài ở nước ta chỉ mạnh ở một số ngành như sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử. Riêng hai ngành này đã chiếm 30,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế. Và thực tế hầu hết các nguyên vật liệu đưa vào đây lắp ráp đều nhập khẩu. Việt Nam chỉ được cung cấp đội ngũ lao động.
Đây là lý do phải cân nhắc rất kỹ đầu tư nước ngoài. Làm thế nào để nền kinh tế Việt Nam phải thực sự được hưởng lợi. Trong thời gian vừa qua, chúng ta được hưởng lợi từ đầu tư nước ngoài chưa nhiều. Một trong những mục tiêu của chúng ta kêu gọi đầu tư nước ngoài là có được công nghệ mới, kỹ năng quản trị mới nhưng hai nội dung lớn này chưa đạt được.
“Trong thời gian tới, cần quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng của đầu tư nước ngoài và đặc biệt đầu tư nước ngoài trong xu thế mới của nền kinh tế là phi toàn cầu hóa, đứt gãy chuỗi cung ứng; xu thế kỹ thuật số và ứng dụng kỹ thuật số; chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn”, ông Lâm khuyến nghị.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm