Thị trường hàng hóa
Sự đột phá về công nghệ internet, các công nghệ mới ra đời phục vụ quá trình sản xuất, bắt buộc doanh nghiệp phải có những thay đổi để phù hợp với xu hướng công nghệ.
Tuy nhiên, quá trình đưa công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện vẫn còn nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực đối với doanh nghiệp hiện nay đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Sự đổi mới về công nghệ đòi hỏi doanh nghiệp phải có được những kiến thức, nguồn lực vững chắc để không bị tụt lại phía sau.
Phát biểu tại chương trình “Giao lưu kết nối doanh nghiệp – Đổi mới sáng tạo” ngày 25/8, ông Đào Thành Chuyên - Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng, dịch vụ khoa học và công nghệ tỉnh Nam Định nhấn mạnh tầm quan trọng của nền tảng khoa học công nghệ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp.
“Khi sức bật của doanh nghiệp trong và ngoài nước trước làn sóng đổi mới sáng tạo đang mạnh mẽ, như một cuộc đua, thì câu chuyện không để ai bị bỏ lại phía sau lại trở nên cần thiết hơn khi nào hết đối với các doanh nghiệp”, ông Chuyên nói.
Bà Jenny Nguyễn – Chủ tịch Học viện Kinh doanh AZ, Chủ tịch Hội đồng chuyển đổi số, Viện Kinh tế số chia sẻ: Tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong mọi hoạt động sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế trên thương trường.
“Tốc độ tăng trưởng, độ phủ thị trường của các doanh nghiệp nắm bắt và triển khai hiệu quả AI trong 1 năm có thể bằng 3-10 năm phát triển của doanh nghiệp truyền thống. Một trợ lý AI đã có thể làm việc hiệu suất bằng 3 đến 5 nhân sự”, bà Jenny Nguyễn cho biết.
Thế giới phẳng và thị trường biến động từng ngày. Doanh nghiệp đang tốt nhưng có thể nhanh chóng bị doanh nghiệp khác chạy tới đích trước nếu không nỗ lực học hỏi.
Nokia đã chậm chân chuyển mình dẫn tới việc thương hiệu bị lu mờ nhường chỗ cho smartphone thịnh hành. 3 đến 5 năm tới, công nghệ sẽ quyết định doanh nghiệp ở vị trí nào trên bản đồ thương hiệu.
Chính vì sự cần thiết của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp, trong khuôn khổ của chương trình, ban tổ chức đã tham khảo ý kiến về việc thành lập dự án vườn ươm khởi nghiệp tại Nam Định thời gian tới.
Chia sẻ về dự án này, ông Phùng Thanh Long - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục (IRES) cho biết mục tiêu duy nhất của vườn ươm là đem lại những giá trị thực sự để có thể đồng hành, hỗ trợ được tối đa cho doanh nghiệp phát triển.
Trong đó, các nguồn lực được coi là lợi thế của dự án sẽ bao gồm từ marketing, truyền thông, vốn và gọi vốn, đào tạo và xây dựng nhân sự, các nguồn lực cho doanh nghiệp.
Sáng kiến về dự án vườn ươm khởi nghiệp tại Nam Định đang được sự quan tâm ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở ban ngành tỉnh Nam Định.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm