Thị trường hàng hóa
Theo thống kê của Cục Hàng hải VN, sản lượng hàng hóa qua cảng biển trong 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 186 triệu tấn, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá cước vận tải biển thế giới ấm lên, kéo theo mức cước tăng trong thị trường vận tải biển Việt Nam. Giá cước vận tải biển phục hồi thể hiện ở mức giá niêm yết của các hãng tàu. Hiện mức cước vận tải biển trên tuyến Hải Phòng – TP.HCM tăng khoảng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2023. Theo giá niêm yết của một số hãng tàu tính từ đầu năm 2024, tuyến Hải Phòng - TP.HCM đang áp mức cước 5-9,5 triệu đồng/container 20 feet và 7-13,5 triệu đồng/container 40 feet.
Ở chiều ngược lại TP.HCM - Hải Phòng, giá cước niêm yết dao động khoảng 3,5-8,5 triệu đồng/container 20 feet và 5,5-12,5 triệu đồng/container 40 feet.
Trong khi thời điểm cuối năm 2023, có hãng tàu niêm yết giá cước chỉ đạt 150.000 đồng/container 20 feet và 3,6 triệu đồng/container 40 feet trên tuyến Hải Phòng - TP.HCM.
Thực tế, theo các chuyên gia, giá niêm yết không phản ánh mức giá thực mà các hãng tàu ký với khách hàng. Bởi lẽ với mỗi khách hàng, các hãng tàu sẽ có những chính sách khác nhau với khách hàng thân thiết, khách vãng lai... Hầu hết các hãng tàu không tiết lộ giá cước vận tải thực vì lý do bí mật kinh doanh.
Dù vậy, Công ty Chứng khoán TP.HCM nhận định, năm 2024, giá cước, giá sàn xếp dỡ sẽ tăng khoảng 10%, giúp các doanh nghiệp thỏa thuận giá cước tốt hơn với các hãng tàu. Điều này sẽ thúc đẩy lợi nhuận tăng thêm cho doanh nghiệp vận tải biển.
Trong khi đó, Mỹ, châu Âu và Trung Quốc là ba thị trường lớn của Việt Nam, đều được kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2024, sẽ dẫn tới nhu cầu xuất nhập khẩu gia tăng, kéo theo nhu cầu vận chuyển bằng đường biển, tạo thêm việc cho nhóm logistics, cảng biển.
Với khả năng giá cước vận tải biển thế giới tiếp tục tăng, ngành vận tải biển Việt Nam có cơ hội hưởng lợi lớn hơn từ xu hướng này, nhất là khi có các yếu tố khác hỗ trợ và thực tế vài tháng qua cho thấy nhu cầu vận chuyển gia tăng.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm