Thị trường hàng hóa
Tại Diễn đàn, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết khuynh hướng tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay có thể đã thay đổi so với giai đoạn giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19. Hiểu rõ sự chuyển dịch thị trường là điều cần thiết, giúp các doanh nghiệp thay đổi kịp thời để nắm bắt cơ hội phát triển.
Tiêu dùng xanh, phát triển bền vững lên ngôi
Đánh giá về nhu cầu tiêu dùng bền vững của khách hàng gia tăng, bà Đặng Thuý Hà - Giám đốc bộ phận Consumer Insight NielsenIQ Việt Nam nhận định đây chính là yếu tố quyết định cho xu thế phát triển bền vững trong các doanh nghiệp. Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra nhiều hậu quả nặng nề đối với cuộc sống con người trên quy mô toàn cầu. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 trong hai năm qua đã thay đổi suy nghĩ của con người về lối sống bền vững.
Cũng theo bà Đặng Thúy Hà, người tiêu dùng hiện nay đang nỗ lực hành động để hướng tới lối sống bền vững hơn. Họ quan tâm đến việc doanh nghiệp có mang lại giá trị phát triển bền vững cho môi trường hay không. Họ kỳ vọng các doanh nghiệp có sáng kiến và hành động thiết thực nhằm cải thiện môi trường.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp cũng đồng tình với nhận định trên khi nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, canh tác hữu cơ đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2018, thị trường sản phẩm hữu cơ toàn cầu vượt mốc 100 tỷ USD. Đến năm 2022, con số này đã tăng hơn gấp 2 lần, ước đạt 208 tỷ USD.
Tại Việt Nam, theo khảo sát của Dự án Intage về tiêu dùng xanh tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, kết quả có tới 95% người tiêu dùng có nhận thức về việc bảo vệ môi trường thông qua những hành động có tích cực đến môi trường.
Đáng chú ý, 73% người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên, 59% lựa chọn ăn rau xanh, ngũ cốc thường xuyên hơn; 61% tắt các thiết bị điện trọng nhà khi không sử dụng, 44% tái sử dụng quần áo cũ. Căn cứ vào kết quả này, các doanh nghiệp và nhà bán lẻ kỳ vọng gia tăng doanh số nhờ vào danh mục sản phẩm thân thiện với môi trường nếu có mức giá cạnh tranh và dễ tìm mua.
Chuyển đổi số - xu hướng không thể đảo ngược
Theo số liệu của Nielsen năm 2020, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%. Hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ.
Ngoài những kênh phân phối truyền thống, thương mại điện tử đang nổi lên là kênh bán hàng mới ưu việt. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua, nhu cầu mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử đã tăng đột biến khi người tiêu dùng phải hạn chế tiếp xúc do yêu cầu giãn cách xã hội.
Đánh giá về ngành bán lẻ, Ông Bùi Cao Học - CEO&Founder công ty TNHH Công nghệ CloudGO cho rằng với việc phát triển đa kênh như hiện nay, việc vận hành đồng bộ và xử lý dữ liệu là điều hết sức quan trọng. Chuyển đổi số đồng bộ là giải pháp hiệu quả nhất cho tất cả các doanh nghiệp bán lẻ.
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới trong các sự kiện Hội chợ, phiên chợ…, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp đã thí điểm tổ chức các phiên livestream song song cùng các sự kiện trực tiếp và bước đầu đã thu được kết quả khả quan. “Có những mặt hàng trên livestream có doanh số tăng đột biến như vải tươi, vải sấy dẻo, trà…”, ông Nguyễn Minh Tiến cho biết.
Thành công chuyển đổi số, nhiều “shop online” đã phát triển nhanh trên nền tảng Tik tok, Facebook, ... Hàng ngàn nông hộ từ những vùng cao như Lạng Sơn, Lào Cai… đã bán được hàng trăm, thậm chí hàng nghìn đơn hàng chỉ qua “livestream”.
“Nhờ những mô hình kinh doanh mới mà chuyển đổi số đem lại, có những khía cạnh doanh nghiệp có thể bắt nhịp được. Dù trong trung hạn có thể sẽ tốn kém nhưng về mặt dài hạn, chuyển đổi số mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho thị trường bán lẻ Việt Nam”, TS. Võ Trí Thành nêu quan điểm.
Dàn KOL TikTok livestream bán hết 23 tấn vải thiều Bắc Giang, 10 phút bán sạch mỳ Chũ, thịt gác bếp: 4 tiếng chốt hơn 5.100 đơn hàng, thu về hơn 1 tỷ đồng
Đánh giá về tốc độ tăng trưởng của thị trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam, ông Đỗ Văn Việt - Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, năm 2023 là năm bùng nổ của Tiktok shop. Cũng từ đó, thuật ngữ mua sắm mới “Shoppertainment” (xu hướng mua sắm online kết hợp giải trí) đã trở thành một trong những xu hướng nổi bật trong năm 2023.
“Việc cần làm của các doanh nghiệp và nhà bán lẻ là nắm bắt xu hướng và đưa ra phương pháp tiếp cận đúng; làm đa kênh, tạo nhiều điểm chạm cho khách hàng”, ông Đỗ Văn Việt khuyến nghị.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm