Thị trường hàng hóa
Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, chuyển đổi số đã chứng minh là tất yếu đối với mọi ngành nghề nếu muốn thích ứng và phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0. Du lịch cũng không ngoại lệ, muốn chuyển mình mạnh mẽ phải ứng dụng công nghệ vào các hoạt động của mình.
Giải pháp thúc đẩy du lịch vượt qua hậu quả do dịch Covid
Trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch, chủ để chuyển đổi số ngành du lịch trở thành một vấn đề cấp thiết và được quan tâm hơn bao giờ hết như một giải pháp thúc đẩy ngành du lịch vượt qua hậu quả do dịch Covid-19.
Chuyển đổi số đang được xem như một giải pháp để giúp ngành du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững. Là một xu hướng tất yếu và chắc chắn sẽ tạo nên những ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp du lịch duy trì hoạt động kinh doanh sau Covid-19 cũng như tạo nên sự khác biệt cho tương lai ngành du lịch Việt Nam. Nhu cầu mua sắm trực tuyến cũng như việc tiếp cận các giải pháp không chạm đang tăng nhanh hơn bao giờ hết, theo kết quả các nghiên cứu người tiêu dùng mong muốn tăng cường sử dụng các công nghệ không chạm sau đại dịch. Ngành dịch vụ vốn phải đặt khách hàng là trung tâm nên yếu tố trải nghiệm khách hàng cũng cần được đặt lên hàng đầu.
Ông Trần Thanh Nam, Founder Bhaya Cruise, Asia DMC cho rằng, chuyển đổi số trở thành xu hướng của xã hội và ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp. “Tùy vào mỗi doanh nghiệp, tổ chức có mô hình và phương thức quản lý khác nhau thì sẽ có định nghĩa về chuyển đổi số khác nhau. Nhưng tựu chung, bản chất của chuyển đổi số (Digital transformation) là việc sáng tạo ra phương thức sản xuất (hoạt động) mới dựa trên công nghệ dữ liệu số và từng bước chuyển đổi sang phương thức đó. Và để chuyển đổi số thành công, bên cạnh việc ứng dụng các công nghệ, dữ liệu số mới thì doanh nghiệp cần phải xây dựng một quy trình chuyển đổi số tổng thể và phù hợp”, ông Nam nói.
Cùng quan điểm, ông Trịnh Công Duy, nhà sáng lập Bizverse chia sẻ, doanh nghiệp du lịch sẽ nhận được những thuận lợi khi chuyển đổi số, bởi vì mục đích của chuyển đổi số là tăng tốc độ ra thị trường, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất làm việc của nhân viên. Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm CID, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) cho rằng, đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số ngành du lịch ngày nay không chỉ là một chiến lược tùy chọn mà dần trở thành một thông lệ tất yếu phải được thực hiện để có đủ năng lực cạnh tranh và đáp ứng sự phát triển không ngừng đối với nhu cầu của khách hàng.
Với sự xuất hiện của chuyển đổi số, các hoạt động trong ngành công nghiệp du lịch đã tạo ra một sự đổi mới trong cách mọi người nhận thức và nắm bắt thông tin, dịch vụ mà các đại lý du lịch cung cấp. Cụ thể, sự tồn tại và phổ biến của việc sử dụng Internet, cũng như sự phát triển phần mềm du lịch, đã xóa tan thách thức về mặt địa lý, cho phép các công ty và khách hàng tương tác với nhau chỉ qua một màn hình. Với sự hỗ trợ của quá trình số hóa, các đại lý du lịch đã tận dụng để thực hiện các giao dịch và công bố chỉ tiết thông tin trong từng giai đoạn của chuyển đi, cho phép khách hàng nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi chuẩn bị xuất phát. Nhiều mong muốn của khách hàng được đáp ứng thông qua việc so sánh giữa các đại lý và kiểm tra phản hồi từ những người dùng trước hay các tính năng quan trọng như đặt về, đặt chỗ ở, hoặc thậm chí yêu cầu một chuyến tham quan ảo đến điểm đến mong muốn của họ…
“Chuyển đổi số chắc chắn là yếu tố bắt buộc đối với các công ty du lịch muốn phát triển mạnh giữa thị trường du lịch cạnh tranh ngày nay. Tuy nhiên, những xu hướng số hóa này chỉ mang lại lợi ích khi doanh nghiệp của họ tương tác thường xuyên và nhất quán với khách hàng, lắng nghe họ và cố gắng hiểu nhu cầu của họ để liên tục cung cấp cho họ trải nghiệm tuyệt vời”, ông Lê Trương Hiền Hòa nhấn mạnh.
Chuyển đổi số không chỉ về công nghệ
Theo ông Lê Đức Anh, nhu cầu và cách đưa ra quyết định của các khách hàng của ngành du lịch và lữ hành thay đổi nhanh chóng theo thời gian. Và với cách tiếp cận truyền thống họ khó có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Các công ty muốn phát triển mạnh cần phải cung cấp các điểm đến một cách linh hoạt để đáp ứng du khách và phong phú thông tin trên nhiều nền tảng, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội để khách hàng có thể chia sẻ và khám phá.
Trong thời gian bùng phát dịch Covid-19, sự phát triển ngành du lịch và lữ hành đã bị chững lại. Và kết quả là, tầm quan trọng và nhu cầu về chuyển đổi số tăng cao. Chủ các doanh nghiệp du lịch đã và đang thực hiện các giải pháp khác nhau để điều chỉnh sự hiện diện của họ trên các nền tảng kỹ thuật số và cung cấp những trải nghiệm kỹ thuật số tuyệt vời. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số cũng đang đặt ra nhiều thách thức mà các doanh nghiệp đang đối mặt. Theo ông Hà Duy Bình, Trưởng ban Chuyển đổi số Giáo dục đào tạo (Trung tâm hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM), câu chuyện của ngành du lịch đó là toàn bộ hoạt động của ngành đều tập trung vào việc cung cấp dịch vụ trải nghiệm và cũng vì điều này các doanh nghiệp và đại lý du lịch hiểu nhầm rằng mình khó có thể áp dụng công nghệ trong ngành. Chuyển đổi số trong ngành du lịch có thể hiểu là sự chuyển dịch mô hình truyền thống sang mô hình chuỗi giá trị số, quản lý dựa trên dữ liệu. Và điều đó đã đặt ra những thách thức lớn đến doanh nghiệp: thiếu hụt nguồn lực (tài chính, công nghệ và nhân lực); rào cản trong văn hóa doanh nghiệp; thiếu hụt dữ liệu và tầm nhìn người lãnh đạo cũng như tâm lý trong tiếp cận và ứng dụng… Đối với doanh nghiệp đang hoạt động, khi họ tiến hành chuyển đổi số sẽ phải áp dụng công nghệ mới dẫn đến vấn đề chi phí đầu tư bước đầu khá lớn. Trong đó, yếu tố con người là trọng tâm hàng đầu.
Theo ông Trần Thanh Nam, có nhiều giải pháp công nghiệp được đưa ra, các giải pháp ngắn hạn tức thời chính là điểm yếu cho sự chuyển đổi số bền vững. Những công cụ xuất hiện trên thị trường nhưng vẫn chưa giải quyết được khó khăn. Doanh nghiệp dùng quá nhiều phần mềm với tính năng riêng biệt, khiến dữ liệu không được đồng bộ, chi phí tăng cao và khi mỗi phòng ban dùng một phần mềm khiến truyền thông nội bộ cũng trở nên hạn chế. Để có thể chuyển đổi số thành công, cần phát triển từ nội tại công ty và định hướng của người lãnh đạo. “Để thực hiện chuyển đổi số thành công, đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Ban đầu, doanh nghiệp sẽ phải mất nhiều thời gian để có thể thích nghi và tập làm quen. Những khó khăn là điều không thể tránh khỏi, giải pháp đầu tiên mà doanh nghiệp cần quan tâm là văn hóa doanh nghiệp. Chuyển đổi số không chỉ về công nghệ. Đó là “thước đo” đánh giá khả năng thích ứng của doanh nghiệp với thời đại. Điều quan trọng nhất, doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh ngành du lịch cần có chiến lược chuyển đổi số cụ thể, mạnh mẽ. Thực hiện truyền thông các tiện ích nổi bật của chuyển đổi số với toàn doanh nghiệp để giúp nhân viên hiểu được giá trị của chuyển đổi số và các lợi ích do chuyển đổi số mang lại”, ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số (DTS) nhấn mạnh.
Để thực hiện chuyển đổi số thành công, đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Ban đầu, doanh nghiệp sẽ phải mất nhiều thời gian để có thể thích nghi và tập làm quen. Những khó khăn là điều không thể tránh khỏi, giải pháp đầu tiên mà doanh nghiệp cần quan tâm là văn hóa doanh nghiệp. Chuyển đổi số không chỉ về công nghệ. Đó là “thước đo” đánh giá khả năng thích ứng của doanh nghiệp với thời đại… (Ông TRƯƠNG GIA BẢO, Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số) |
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm