Thị trường hàng hóa
Hội nghị nhằm giới thiệu về Hiệp định RCEP và thảo luận việc tận dụng Hiệp định để thúc đẩy thương mại và lưu thông hàng hóa giữa Việt Nam và các nước khác trong khu vực RCEP, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khai thác tối đa và hiệu quả các cơ hội do Hiệp định RCEP đem lại nhằm thúc đẩy xuất khẩu và phát triển kinh tế.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hơn 2 năm qua là thời gian thử thách chưa từng có đối với mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam bởi đại dịch Covid-19.
Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương, cùng với những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả tích cực, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.
Đặc biệt, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá lần đầu tiên đạt mức 670 tỷ USD, tăng 23% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; trong đó xuất khẩu có sự bứt phá ngoạn mục, tăng trên 19% (vượt 15% so với kế hoạch), duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với mức thặng dư trên 4 tỷ USD.
6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Trong những thành tích nổi bật đó, có sự đóng góp quan trọng, tích cực của hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc tận dụng tốt các thời cơ, thuận lợi từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.
Đến nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi 17 FTA với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, trở thành một trong những nước đi đầu khu vực tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương, trong đó gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đây là Hiệp định thương mại tự do được 10 nước thành viên ASEAN và 5 nước đối tác là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và New Zealand ký kết tháng 11/2020, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Hiệp định này là sự kết nối 4 Hiệp định thương mại tự do hiện hành giữa ASEAN và các nước đối tác thành 1 Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới xét về quy mô dân số, chiếm gần 1/3 dân số thế giới và GDP toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc đưa Hiệp định RCEP với một quy tắc xuất xứ chung áp dụng cho 15 nước vào thực thi được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển các chuỗi cung ứng mới, đồng thời mở ra một không gian sản xuất chung và một “siêu” thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài trong khu vực, bởi các nước tham gia Hiệp định RCEP có nhiều nước được xem như là nơi sở hữu, cung ứng nguyên liệu, vật tư chiến lược lớn của thế giới (như Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN) và là các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm trên 1/2 tổng kim ngạch thương mại của cả nước.
“Đây sẽ vừa là thời cơ, vừa là thách thức cho các ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam đa dạng và tối ưu hóa nguồn nguyên liệu đầu vào để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời tạo thuận lợi hóa thương mại, thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Bộ trưởng nhận định.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Hiệp định RCEP, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong nước khai thác tối đa và hiệu quả các cơ hội, lợi ích, cũng như giảm thiểu các nguy cơ, thách thức mà Hiệp định có thể mang lại, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu, tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe giới thiệu tổng quan về RCEP, Kế hoạch thực hiện Hiệp định của Chính phủ và các tham luận của đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp về những cơ hội, thách thức và các giải pháp cần thiết nhằm tận dụng tối đa các lợi ích từ Hiệp định này, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Từ các hoạt động thực tiễn công tác ở mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, làm sâu sắc hơn về những thời cơ, thuận lợi cũng như các khó khăn, thách thức từ các cam kết của Hiệp định, từ đó đề xuất, khuyến nghị các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện, giúp các địa phương, hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đa dạng hoá thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, trong những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành một trong 15 quốc gia xuất khẩu nông sản nhiều nhất thế giới với kim ngạch 48,6 tỷ USD năm 2021, tăng 62,3% so với năm 2015. Sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam có mặt tại 196 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều sản phẩm xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Trong bối cảnh khó khăn của năm 2020-2021, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ngành nông nghiệp và Công Thương đã phối hợp chặt chẽ, vượt qua khó khăn để đảm bảo cung ứng thực phẩm trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, cán cân thương mại đạt 6,44 tỷ USD.
6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 27,88 tỷ USD, xuất siêu 5,75 tỷ USD.
Kết quả này có đóng góp lớn của hội nhập quốc tế, đặc biệt việc tham gia hiệu quả vào các Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, trong đó có RCEP.
“Chưa lúc nào doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng lại đứng trước một sân chơi lớn với nhiều cơ hội như hiện nay”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cho rằng khi tham gia RCEP, các doanh nghiệp nông nghiệp được dự báo sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu, đặc biệt các mặt hàng ta có lợi thế như gạo, hạt điều, cà phê, tiêu, gỗ và sản phẩm từ gỗ,…
Tuy được đánh giá là không có đột phá về cắt giảm thuế xuất nhập khẩu, nhưng với những quy định cởi mở về xuất xứ hàng hóa, RCEP sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng được tốt hơn ưu đãi từ các đối tác. Quan trọng hơn, doanh nghiệp Việt có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
RCEP cũng được nhận định sẽ góp phần tăng nguồn vốn FDI vào Việt Nam, trong đó có ngành nông nghiệp. Thông qua hợp tác kinh doanh, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân có cơ hội tiếp cận chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, học hỏi công nghệ quản trị của đối tác.
Dù vậy, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định sức ép cạnh tranh từ RCEP là rất lớn. Doanh nghiệp, người sản xuất muốn tồn tại, cạnh tranh và phát triển tại thị trường này cần không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng và vị thế của mình.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Bộ, ngành, địa phương sớm hoàn tất việc ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định theo chức năng, nhiệm vụ được giao để bảo đảm công tác thực thi Hiệp định được hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách đồng bộ, khả thi và xây dựng các chương trình hỗ trợ, đào tạo kỹ năng chuyên sâu, giúp các ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sau Hội nghị này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo. Đồng thời, luôn đồng hành, hỗ trợ các địa phương, ngành hàng và doanh nghiệp để có thể tận dụng tốt nhất những ưu đãi của Hiệp định, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm