Thị trường hàng hóa
Nhiều doanh nghiệp thực phẩm, hàng tiêu dùng đang tăng cường sản xuất, thu mua nguyên liệu bằng cách đa dạng thêm nhà cung cấp và tối ưu hóa chi phí để sẵn sàng đón đầu nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm 2023.
Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, đồng thời làm tiền đề thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2024 của Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc bộ, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, các hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất kinh doanh, các phương án cung ứng hàng hóa, xử lý các biến động bất thường của thị trường.
Theo Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa tháng 10/2023 sôi động hơn khi nhu cầu hàng may mặc, trang thiết bị gia đình tăng vào giai đoạn chuyển mùa; các hệ thống phân phối bán lẻ thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng tiêu dùng trong dịp lễ 20/10 nhằm thúc đẩy tiêu dùng. Nguồn cung hàng hóa lương thực, thực phẩm cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu.
Riêng tại các tỉnh miền Trung, do ảnh hưởng của mưa bão khiến nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng, vận chuyển khó khăn nên nguồn cung giảm khiến giá rau xanh, củ quả các loại có xu hướng tăng cao.
Giá các loại thóc, gạo nguyên liệu phục vụ xuất khẩu tăng trở lại. Các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng giá điều chỉnh theo giá thế giới; giá các mặt hàng khác không có nhiều biến động.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2023 ước đạt 536,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng các vật phẩm văn hóa, giáo dục, đồ dùng gia đình tăng khá cao và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tiếp tục duy trì xu hướng tích cực.
Bộ Công Thương đánh giá, tính chung 10 tháng năm 2023, tình hình thị trường trong nước về cơ bản tương đối ổn định, nguồn cung các hàng hóa trong nước được bảo đảm. Sức mua trên thị trường đã có sự phục hồi tốt so với năm trước và so với giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.105,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,7%).
Trong đó, mức tăng chủ yếu ở nhóm hàng thiết yếu là lương thực, thực phẩm (tăng 11,2%) và nhóm hàng du lịch, dịch vụ (tăng từ 10,4 - 47,6%) do nhu cầu các dịch vụ này vẫn đang tiếp tục phục hồi sau dịch bệnh Covid-19; các nhóm hàng khác tăng từ 5,5 - 13,6%; riêng nhóm phương tiện đi lại giảm 2,8%.
Một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 12%; Bình Dương tăng 10,2%; Khánh Hòa tăng 9,9%; Đồng Nai tăng 9,8%; Cần Thơ tăng 9,4%; Hải Phòng tăng 9,3%; Đà Nẵng tăng 7%; TPHCM tăng 5,9%; Hà Nội tăng 5,4%.
Dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, biến động của thị trường thế giới, nhưng các doanh nghiệp trong nước vẫn đang nỗ lực để tăng sản xuất, dự trữ hàng hóa cho mùa tiêu dùng cuối năm.
Ông Đinh Hồng Phúc - Giám đốc đơn vị sản xuất Trương Hoàng nhận định, dự đoán từ nay đến Tết giá trứng gia cầm sẽ không biến động. Sản lượng trứng gia cầm đang rất dồi dào và doanh nghiệp vẫn đủ khả năng phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng 50% trong tháng Chạp.
Theo ông Phúc, bên cạnh những mặt hàng thủy sản, gia cầm, một số mặt hàng như bánh kẹo, nước giải khát... cũng đang được nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đặt mục tiêu sản lượng, doanh số cao. Các công ty sản xuất, kinh doanh thịt, trứng gia cầm tại nhiều tỉnh, thành cũng đã hoàn tất khâu chuẩn bị tại trại chăn nuôi và trại liên kết để bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán 2024.
Công ty TNHH Việt Nam Hoàng Sâm hiện đã chuẩn bị kinh phí khoảng gần 300 tỷ đồng để dự trữ, sản xuất hàng Tết, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Sau nhiều biến cố, người tiêu dùng vẫn đang tiết kiệm chi tiêu và quan tâm nhiều đến giá cả hàng hóa.
Vì vậy, để bán được hàng, từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp vẫn duy trì các hoạt động khuyến mại theo hình thức cuốn chiếu. Các mặt hàng thực phẩm chế biến sẽ luân phiên được giảm giá đến 25%, thực phẩm tươi sống cũng sẽ luân phiên giảm giá nhưng ở mức thấp hơn.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thông thường, những tháng cuối năm 2023 sẽ là mùa mua sắm nhộn nhịp nhất. Đây cũng là tháng cao điểm để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất. Cùng với đó, việc tăng sản lượng cũng tạo ra khối lượng công việc nhiều hơn cho người lao động tạo được mục tiêu kép.
Vì thế, điểm thuận lợi lúc này là giá nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng giảm nên nhiều doanh nghiệp đã tăng thu mua, bằng cách đa dạng thêm nhà cung cấp và tối ưu hóa chi phí để sẵn sàng đón đầu nhu cầu tiêu dùng cuối năm.
Để tối ưu hóa lợi nhuận cũng như đảm bảo nguồn hàng tiêu dùng vào dịp cuối năm, các doanh nghiệp nên tận dụng nhiều nguyên vật liệu trong nước, nguồn tài nguyên nông sản sẵn có.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm