Thị trường hàng hóa
Theo GlobalData, công ty tư vấn và phân tích dữ liệu có trụ sở tại London, các công ty Trung Quốc đã tài trợ gần 1,4 tỷ USD cho World Cup 2022. Con số này chi nhiều hơn các doanh nghiệp Mỹ, thậm chí cả các ông lớn như Coca-Cola, McDonald’s và Budweiser khoảng 300 triệu USD.
Căn cứ theo dữ liệu năm, hợp đồng tài trợ của các công ty Trung Quốc hiện trị giá 207 triệu USD/năm, cao hơn so với các hợp đồng của Qatar và Mỹ trị giá lần lượt là 134 triệu USD và 129 triệu USD/năm. Sự thống trị của các công ty Trung Quốc tại World Cup phản ánh khát vọng nâng cao giá trị thương hiệu, vươn tầm thế giới của họ.
Bởi không giống các dạng tiếp thị khác, tiếp thị thể thao về bản chất là một loại tiếp thị cảm xúc và có ý nghĩa to lớn đối với việc định hình giá trị thương hiệu. Đây cũng được xem là lý do khiến các công ty Trung Quốc không ngại chi mạnh tay để lấy về các quyền tài trợ tại sự kiện thể thao này thông qua "hiệu ứng World Cup" để giành được thị phần trên thị trường quốc tế.
Theo Hiệp hội Hàng hoá Thể thao Nghĩa Ô (Trung Quốc), các nhà máy tại thành phố này hiện chiếm gần 70% thị phần các mặt hàng được sử dụng tại World Cup. Hàng ngày, các sản phẩm gắn mác Made in China như bóng đá, áo đấu, kèn và còi để cổ vũ, khăn quàng cổ, đồ trang trí và cờ… của 32 đội tuyển đều được lặng lẽ gửi đến khắp nơi trên đất nước thế giới mỗi ngày.
Đặc biệt, Trung Quốc còn xây dựng tuyến vận chuyển hậu cần riêng biệt xuất khẩu thẳng các sản phẩm liên quan đến World Cup sang Qatar. Các thương nhân ở Nghĩa Ô cho biết, những đơn hàng đặt hàng sản xuất sản phẩm phục vụ mỗi kỳ World Cup chính là cơ hội kinh doanh hiếm có.
Kể từ tháng 3 năm nay, xưởng sản xuất bóng đá của anh Ngô Quân Dũng bắt đầu làm việc từ 7 giờ sáng, công nhân liên tục tăng ca trừ tối Chủ nhật. Dù việc sản xuất một trái bóng hiện nay đều dựa vào dây chuyền lắp ráp nhưng nó vẫn cần trải qua hơn mười công đoạn để hoàn thành.
Đến cuối tháng 10, một đơn hàng lớn nhất 12.000 quả bóng đá được vận chuyển từ nhà máy của anh tới Qatar. Cho đến hiện tại, gần 700.000 quả bóng đã "vượt trùng dương", mang theo giấc mơ khẳng định công nghệ sản xuất bóng đá Trung Quốc của anh ra biển lớn.
Nhu cầu cao về các mặt hàng trong World Cup như áo đấu cũng đang kích thích tốc độ tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp tại Nghĩa Ô và họ cũng sẽ có thêm nhiều khách hàng mới sau World Cup. Kể từ tháng 4, doanh nghiệp của Ôn Tùng Kiến liên tiếp nhận được đơn đặt hàng áo đấu từ các thương nhân nước ngoài trên khắp thế giới. Trong vòng 3,4 tháng gần đây ông đã sản xuất hơn 2 triệu áo và vẫn còn một số đơn đặt hàng bổ sung từ nước ngoài nữa đang được đẩy mạnh.
Số liệu thống kê của Hải quan Nghĩa Ô cho thấy, trong 8 tháng đầu năm nay, Nghĩa Ô đã xuất khẩu 3,82 tỷ Nhân dân tệ đồ thể thao và 9,66 tỷ Nhân dân tệ đồ chơi. Vào giữa tháng 9, thành phố thương mại quốc tế này đã khai trương tuyến hậu cần "Tuyến vận chuyển chuyên biệt cho World Cup".
Thông qua tuyến vận chuyển đường biển, các sản phẩm dành cho người hâm mộ bóng đá như trái bóng, áo đấu được sản xuất tại Nghĩa Ô khởi hành từ cảng Ninh Ba và cảng Thượng Hải trực tiếp tới cảng Hamad (Qatar) chỉ trong vòng 20 - 25 ngày. Đồng thời, hàng hóa liên quan đến World Cup cũng có thể được giảm giá đặc biệt để giảm chi phí hậu cần cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nghĩa Ô.
Trên thị trường trực tuyến AliExpress liên quan đến thương mại toàn cầu cho thấy, doanh số bán cờ và giày bóng đá do Trung Quốc sản xuất tăng vọt lần lượt 300% và 200% vào tháng 11 so với một tháng trước đó. Bên cạnh đó, 1.500 xe buýt của hãng sản xuất xe buýt hàng đầu Trung Quốc Yutong cũng đang lướt trên những con đường của Qatar.
Khoảng 888 trong số này là xe buýt điện, giúp chuyên chở hàng nghìn quan chức, nhà báo và người hâm mộ đến các địa điểm thi đấu. Về lĩnh vực điện máy, tập đoàn Midea Group - ông lớn chuyên sản xuất thiết bị gia dụng tại Trung Quốc cho biết, họ đã giành được gói thầu để trở thành nhà cung cấp chính khoảng 2.500 máy điều hoà tại 100 trung tâm kiểm tra an ninh ở 7 địa điểm thi đấu World Cup.
Đặc biệt, quốc bảo của đất nước tỷ dân - hai chú gấu trúc khổng lồ từ Trung Quốc đã đến Qatar trước thềm World Cup 2022. Có thể nói, sức mạnh của các mặt hàng "Made in China" một lần nữa gây đã gây ấn tượng với thế giới. Mặt khác, tại Trung Quốc, CCTV là đơn vị độc quyền trong việc phát sóng các mùa World Cup trong nhiều năm qua. Nhờ đó, số tiền thu được từ quảng cáo, đặc biệt từ số lần click quảng cáo trên thiết bị di động, được ghi nhận ở mức tăng đột biến.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm