Thị trường hàng hóa
Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải đã tiến hành khảo sát với sự tham gia của 307 đại diện các công ty Mỹ trong khoảng thời gian từ ngày 14/7 đến ngày 18/8 - trước khi Mỹ có các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhất đối với ngành bán dẫn. Kết quả cho thấy số lượng công ty Mỹ cắt giảm đầu tư vào Trung Quốc trong năm nay tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Cụ thể, trong năm 2022, 19% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ đang cắt giảm đầu tư vào Trung Quốc, tăng từ 10% vào năm 2021. Những lý do hàng đầu là do COVID-19 khiến các nhà máy ngừng hoạt động, hạn chế đi lại và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Thành phố Thượng Hải đã phải hứng chịu một trong những đợt phong tỏa khắc nghiệt nhất vào đầu năm nay, kéo nền kinh tế quốc gia đi xuống trong quý II. Mức tăng 3,9% trong quý III đã đưa tăng trưởng GDP cả năm lên 3% - thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là khoảng 5,5%.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay và lên đến 4,4% trong năm 2023, trong khi kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng 1,6% trong năm nay và 1% trong năm tới. Theo khảo sát của AmCham Shanghai, tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc là lý do hàng đầu khiến 30% số người được hỏi cho biết họ vẫn tiếp tục tăng cường đầu tư vào nước này. Nhưng con số đó đã giảm so với 38% của năm ngoái.
1/3 số công ty được hỏi biết họ đã chuyển hướng các khoản đầu tư theo kế hoạch từ Trung Quốc sang các điểm đến khác trong năm qua. Con số này gần gấp đôi so với năm 2021. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng Đông Nam Á là thị trường được nhiều doanh nghiệp nhắm đến nhất. Khu vực này thu hút phần lớn các khoản đầu tư chuyển hướng từ Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, hậu cần và bán lẻ.
Một nhà bán lẻ và một công ty sản xuất cho biết sẽ chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong vòng 1-3 năm tới. 9 doanh nghiệp đã chuyển hơn 30% năng lực sản xuất ra khỏi "công xưởng của thế giới". Trong khi đó, đại đa số các công ty trong ngành hóa chất, dược phẩm, thiết bị y tế và khoa học đời sống vẫn lên kế hoạch duy trì hoạt động tại Trung Quốc.
Về phần mình, Trung Quốc nhấn mạnh rằng muốn đất nước tập trung nhiều hơn vào việc sản xuất các mặt hàng cao cấp hơn, trong khi các nhà máy trong những ngành thâm dụng lao động hơn đã chuyển sang các nước khác có mức lương thấp hơn.
Theo một báo cáo khác của Allianz Research, Mỹ và châu Âu phụ thuộc vào nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc hơn so với chiều ngược lại. Cụ thể, Trung Quốc là nhà cung cấp quan trọng đối với 276 loại hàng hóa cho Mỹ và 141 loại hàng hóa cho EU. Trong khi đó, đối với Trung Quốc, Mỹ là nhà cung cấp quan trọng đối với 22 loại hàng hóa và EU là nhà cung cấp quan trọng đối với 188 loại hàng hóa.
“Điều này có nghĩa là, trong một kịch bản cực đoan khi quan hệ thương mại Mỹ-Trung và Mỹ-EU-Trung Quốc bị cắt đứt hoàn toàn, Mỹ và châu Âu có nhiều thứ để mất hơn. Việc mất nguồn cung cấp thiết yếu sẽ gây thiệt hại 1,3% cho GDP của Mỹ và 0,5% cho GDP của EU, nhưng chỉ ảnh hưởng tới 0,3% GDP của Trung Quốc”, báo cáo cho biết.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm