Thị trường hàng hóa
Trong thập kỷ qua, các Big Tech (công ty công nghệ lớn) đã thống trị kinh tế Mỹ. Tính đến cuối năm 2020, ngành công nghệ chiếm khoảng 10,2% GDP của Mỹ và trong số đó có những công ty tăng trưởng dường như vô hạn gồm: Apple, Amazon, Google và Microsoft… đều được định giá trên nghìn tỷ USD, trở thành những doanh nghiệp có giá trị nhất lịch sử hiện đại.
Họ cạnh tranh với các công ty khởi nghiệp như Uber, WeWork, Airbnb, Stripe…, từ đó đẩy lương và chi phí sinh hoạt trong ngành lên cao. Nhiều năm liền, các kỹ sư lành nghề nỗ lực nhảy việc vào những công ty này để có mức lương cao hơn.
Tại Big Tech, ngay cả kỹ sư mới vào nghề cũng có thể nhận mức lương khởi điểm 200.000 USD/năm. Mức lương này chưa tính thưởng và hàng loạt phúc lợi như ăn uống miễn phí, chăm sóc sức khỏe, giặt ủi tại chỗ, nghỉ phép thoải mái…
Thế nhưng hiện tại đã khác, cổ phiếu cùng lực lượng lao động của các công ty công nghệ vốn hoá lớn ở Phố Wall đang trong đợt sụt giảm nghiêm trọng nhất hơn 10 năm trở lại đây. Đầu tháng này, gã khổng lồ truyền thông xã hội Meta đã thông báo rằng họ sẽ sa thải 11.000 người, tương đương 13% lực lượng lao động.
Lần đầu tiên đánh dấu giá trị vốn hóa thị trường của Amazon giảm xuống dưới 1.000 tỷ USD kể từ tháng 4/2020 và thông báo cắt giảm khoảng 10.000 nhân sự. Twitter cũng sa thải khoảng 3.000 nhân viên, tức khoảng một nửa lực lượng lao động của mình. Microsoft, Lyft và Stripe gần đây cũng đã công bố các đợt cắt giảm lao động với quy mô nhỏ hơn.
Theo ông J. P. Gownder, nhà phân tích chính của Công ty phân tích thị trường Forrester, sẽ có nhiều đợt sa thải hơn diễn ra trong vài tháng tới bởi các hãng công nghệ đang thiết lập lại kế hoạch tài chính để có một năm 2023 thành công hơn. Doanh nghiệp thực hiện kế hoạch sa thải vì dự đoán nhu cầu sẽ giảm xuống giữa bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đối mặt với nhiều bất ổn như lạm phát, lãi suất tăng cao, cùng các vấn đề về chuỗi cung ứng đứt gãy.
Ông cũng cho biết, khi các hãng công nghệ lớn cắt giảm nhân lực cũng là thời cơ cho các công ty khởi nghiệp (startup). Trước đó, những cái tên thành công nhất giới startup trong thập niên vừa qua như Airbnb, Uber hay Dropbox đều ra đời sau Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.
Trưởng kinh tế gia Julia Pollak của Công ty dịch vụ tuyển dụng ZipRecruiter cho rằng nhân sự trong ngành công nghệ hiện có hai con đường: một là hướng đi an toàn tới các doanh nghiệp và lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái; hai là thành lập công ty riêng của mình. Trong đó, quỹ đầu tư mạo hiểm Day One Ventures đã nhanh chóng phản ứng với làn sóng cắt giảm nhân sự của Big Tech bằng cách tuyên bố sẽ đầu tư 100.000 USD vào 20 ý tưởng khác nhau cho các nhân viên bị sa thải.
Đây chính là nguồn vốn dồi dào dành cho các doanh nhân mới xuất hiện trong ngành công nghệ. Mặt khác, với các startup trong giai đoạn này sẽ được hưởng lợi nhờ chính sách đóng băng tuyển dụng và sa thải nhân sự ồ ạt của các đại gia công nghệ.
Họ có thể tìm kiếm thêm đội ngũ nhân viên, kỹ sư, lập trình viên,… có kinh nghiệm tham gia cùng họ dẫu cho môi trường kinh tế vĩ mô hiện đang ở giai đoạn bất ổn. Một số công ty khởi nghiệp với dòng tiền ổn định đang đề nghị mức lương cùng những đãi ngộ tốt để thu hút những nhân tài mà đáng ra họ sẽ yêu thích làm việc tại các công ty công nghệ lớn hơn như Microsoft, Apple, Meta, Google, Amazon, Tesla, Oracle,…
Prashanth Chandrasekar, CEO Stack Overflow, cho biết số lượng nhân viên của nền tảng mã hóa này đã tăng gấp đôi trong năm nay lên 540 người. Trong đó, một số nhân viên mới đã được công ty tuyển dụng lại từ những người đã từng làm việc tại Big Tech như Alphabet hay Apple.
Theo Deepak Rao, Giám đốc Điều hành của X1 Card, số lượng nhân viên của công ty khởi nghiệp này đã tăng hơn gấp đôi lên 35 người trong một năm. Ông kỳ vọng trong thời gian khoảng vài tháng tiếp theo, số lượng nhân sự của công ty sẽ còn tăng lên sau đợt sa thải quy mô lớn của các công ty công nghệ hàng đầu.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm