Thị trường hàng hóa
Theo Giáo sư Hà Tôn Vinh, Chủ tịch Stellar Management, khởi nghiệp không phải bắt đầu kinh doanh, mà là đổi mới, là sáng tạo. Khi muốn đi ra thị trường nước ngoài để tìm nhà đầu tư thì chúng ta phải chứng minh được chúng ta có thể sống ở trong nước đã. Khi đó mới đi ra quốc tế, phát triển thành công ty đa quốc gia, toàn cầu hay công ty xuyên quốc gia. “Nếu không tạo được thành công ở Việt Nam thì thành công ở nước ngoài rất khó”, giáo sư Hà Tôn Vinh bày tỏ.
Để dẫn chứng, giáo sư Vinh đã lấy ví dụ về Toyota, ngay từ những ngày đầu tiên thành lập, công ty đã lấy thế giới làm thị trường. Startup là quốc gia khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp và cá nhân khởi nghiệp. Quan trọng nhất, khi “go global”, doanh nghiệp phải hiểu được tất cả nhu cầu, đòi hỏi của thị trường đó.
Cùng quan điểm, Shark Lê Hùng Anh, Chủ tịch BIN Corporation GROUP cho rằng thị trường Việt Nam quá nhỏ, chi phí giá thành sản phẩm so với giá bán ra chênh lệch không đáng kể. Đó là lý do vì sao rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam dù có sản phẩm tốt, dịch vụ tốt nhưng luôn trăn trở vì lợi nhuận thấp. Nhưng nếu họ bán ở thị trường nước ngoài thì biên lợi nhuận cao hơn đáng kể. Chính vì vậy, Shark Hùng Anh khuyến khích các doanh nghiệp go global.
Tuy nhiên, trước những ý kiến cho rằng, nhiều công ty không “go global” vẫn thành công, ví dụ như các doanh nghiệp chứng khoán. Về vấn đề này, ông Trần Bằng Việt, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Đông A Solutions khẳng định không phải doanh nghiệp nào cũng phù hợp để “go global” trước, cũng giống như không phải doanh nghiệp nào cũng phù hợp để chuyển đổi số. “Nếu trong một thời gian cụ thể, thị trường trong nước ngon lành hơn, có biên lợi nhuận tốt hơn, thì tại sao phải đi “lấy chồng” xa làm gì?”, ông Việt so sánh.
Ngược lại, những ngành như công nghệ, blockchain hay sản phẩm hữu cơ…, theo ông Việt, hãy “đánh” thẳng thị trường nước ngoài, sau đó mới trở về Việt Nam. Bởi vì, tại Việt Nam, dù chi phí để sản xuất sản phẩm hữu cơ tương đối cao, nhưng vẫn thấp hơn mức giá bỏ ra để thuyết phục người tiêu dùng tin rằng đó thực sự là sản phẩm hữu cơ. “Do đó, nếu sản phẩm phù hợp với thị trường nước ngoài thì hãy “go global” ngay”, ông Việt nói.
Ông Nguyễn Trung Dũng – Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc công ty Cổ phần Dh Foods nhấn mạnh, dù là “go global” ngay từ đầu hay phục vụ thị trường trong nước trước thì startup Việt cũng cần có kế hoạch và sự chuẩn bị để hoàn thiện chất lượng sản phẩm phù hợp với cả thị trường nước ngoài thay vì “bán được rồi mới thay đổi”. Bởi vì, việc đưa một sản phẩm “go global” là sẽ phải cạnh tranh với những giải pháp của các nước tiên tiến nên buộc phải đạt được các tiêu chuẩn để thị trường nước ngoài chấp nhận. Đó cũng là lý do mà ông Dũng khuyên các startup dù làm nhỏ cũng nên có tầm nhìn xa.
Trước câu hỏi, tại sao chưa có nhiều startup Việt thành công ở thị trường nước ngoài, bà Lê Huỳnh Kim Ngân, Giám đốc Quỹ đầu tư ThinkZone Ventures cho rằng, nếu định nghĩa startup Việt là công ty khởi nghiệp có trụ sở chính tại Việt Nam, được thành lập bởi ít nhất một người có quốc tịch Việt Nam và có thêm văn phòng hay mở rộng đăng ký kinh doanh ở nước ngoài thì đúng là thực tế cho thấy có ít startup Việt ra thị trường nước ngoài thành công. Còn nếu mở rộng hơn là những startup Việt có sản phẩm, dịch vụ được bán ở thị trường toàn cầu thì số lượng sẽ nhiều hơn một chút.
Bởi vì, từ những năm 2005, các công ty, cá nhân Việt Nam chuyên làm dịch vụ gia công thiết kế website và lập trình phần mềm cho thị trường nước ngoài không hề ít. “Điều này đồng nghĩa với việc dù startup Việt có những dấu hiệu sớm của khả năng phát triển ra thị trường toàn cầu nhưng chúng ta vẫn bị mắc kẹt“, bà Ngân nói.
Lý giải cho việc startup Việt mắc kẹt với thị trường nước ngoài, theo đại diện ThinkZone Ventures là vì không có nhiều thông tin theo kiểu bí quyết công nghệ (know-how) và sự am hiểu sâu sắc địa phương.
Các nhà sáng lập có thể đến Singapore du lịch nhưng ít ai tìm hiểu hay trao đổi với các doanh nhân bản địa để hiểu hơn về nơi startup mình sẽ phát triển trong tương lai. Startup Việt thường mắc kẹt với góc nhìn thị trường Việt Nam đã đủ lớn, không cần phải “go global”, hay nghĩ rằng mình giỏi mà không hề biết rằng bản thân có thể phát triển nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên để có thể gặt hái được thành công tại thị trường quốc tế là cả một chặng đường không mấy dễ dàng với vô vàn khó khăn. Từ kinh nghiệm thực tế của chính doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Quang Trung, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành BSS Group chia sẻ khó khăn đầu tiên là về kiến thức, đặc biệt là ngành công nghệ phải luôn cập nhật những cái mới. Thứ hai là việc giữ chân khách hàng, vì go global với hơn 200 quốc gia là hơn 200 tệp khách hàng với những tính cách và hành vi tiêu dùng khác nhau. Thứ ba là sức ép phải nhanh chóng thành công. “Những startup có sự kiên trì, kiên trì với sản phẩm, dịch vụ và khách hàng thì doanh nghiệp mới có thể phát triển”, ông Trung khẳng định.
Chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề go global với một nguồn lực hạn chế, Shark Lê Hùng Anh cũng khuyên các startup phải biết tận dụng nguồn lực tại Việt Nam để cắt giảm chi phí nhân công, văn phòng… và đặc biệt là đừng vội vã đổ tiền vào quảng cáo, thay vào đó phải từng bước xây dựng website, các trang mạng xã hội một cách chỉn chu.
Trong khi đó, ông Trần Bằng Việt lại nhắn nhủ với các startup đang ấp ủ ý định go global, hãy chọn những sản phẩm và dịch vụ đủ độ khó và có độ lớn khi đánh thị trường nước ngoài. “Chúng ta không nên chọn những sản phẩm đơn giản quá vì nếu thị trường chấp nhận rồi thì sẽ dễ bị sao chép và cạnh tranh. Tôi tin rằng nếu các startup Việt biết nghĩ xa, nhìn gần và làm dần từng bước thì chắc chắn sẽ thành công”, ông Việt nói.
Theo bà Ngân, việc bắt đầu khởi nghiệp tại một quốc gia có lợi thế lớn về nhân sự công nghệ (số lượng đông đảo và tinh thần làm việc chăm chỉ), startup Việt nên thấy đó là lợi thế cạnh tranh đáng giá của mình mà tự tin gia nhập vào cuộc chơi toàn cầu. “Đừng “mắc kẹt” ở chính tư duy và góc nhìn của mình, hãy nghĩ xa hơn và hướng tới sự vĩ đại”, bà Ngân bày tỏ.
Cũng theo Giám đốc ThinkZone Ventures, chưa có nhiều rào cản từ các quy định hiện hành đối với việc các công ty muốn phát triển ra nước ngoài. Điểm hạn chế là các thông tin chưa có sự hợp nhất và hướng dẫn rõ ràng cho các công ty khởi nghiệp.
Ví dụ như một công ty khởi nghiệp, đang gặp nhiều giấy phép con từ các bộ, ban, nhành khác nhau, đầu tiên từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, rồi tuỳ vào ngành nghề mà cần thêm những giấy phép khác từ Bộ TT&TT, Bộ Khoa học và Công nghệ…Đó là chưa kể đến các thủ tục liên quan đến Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước vì có giao dịch ở nước ngoài.
Rào cản lớn nhất không đến từ quy định mà là làm sao để hướng dẫn các công ty khởi nghiệp hay doanh nghiệp nói chung, biết được là họ cần giấy phép nào, xin ở đâu, mất thời gian dự kiến bao lâu.... Việc dự kiến thời gian hoàn thiện giấy phép sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc lên kế hoạch kinh doanh của startup Việt khi ra thị trường nước ngoài.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm