Thị trường hàng hóa
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, diện tích vải thiều năm 2023 của toàn tỉnh là 29.700 ha, tăng so với năm trước 1.600 ha; trong đó, vải thiều chín sớm khoảng 7.700 ha, dự kiến thu hoạch 60.000 tấn; vải chính vụ 22.000 ha, sản lượng dự kiến trên 120.000 tấn.
Việc sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP được duy trì và mở rộng, với tổng diện tích là 15.682 ha, sản lượng ước đạt trên 100.000 tấn. Riêng tại huyện Lục Ngạn, diện tích năm nay khoảng 17.357 ha; sản lượng 98.000 tấn, trong đó vải sớm 25.000 tấn, vải chính vụ 73.000 tấn.
Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, các vườn vải chín sớm đang phát triển dầy cùi trong quả; vải chính vụ đang quả non, đã hết rụng quả sinh lý. Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nhận định, năm nay thời tiết tốt sẽ được mùa vải, tỉnh đang chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện các biện pháp chuẩn bị thu hoạch và tiêu thụ vải, nhất là các biện pháp để xuất khẩu.
Ông Dương Thanh Tùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang - cho biết: Để chuẩn bị sản xuất vải thiều xuất khẩu năm nay, Sở đã sớm xây dựng kế hoạch về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu vải thiều năm 2023. Toàn tỉnh hiện duy trì 178 mã số vùng trồng đủ điều kiện phục vụ xuất khẩu; đồng thời đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp thêm 45 mã vùng trồng, nâng tổng số lên 223 mã số vùng trồng vải, với diện tích 17.724 ha. Sản lượng ước đạt 115.000 tấn phục vụ cho xuất khẩu vào các thị trường truyền thống và thị trường cao cấp như: Mỹ, Nhật, Australia, Trung Quốc, Thái Lan…
Năm nay, Bắc Giang dự kiến sẽ xuất khẩu 96.000 tấn vải, chiếm 53% sản lượng, tăng 15% so với năm trước. Hiện đã có 120 thương nhân Trung Quốc đăng ký vào địa bàn tỉnh để chuẩn bị thu mua vải thiều.
Để công tác tiêu thụ, xuất khẩu thuận lợi, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu đơn vị chuyên môn của tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố trong tỉnh hướng dẫn hộ sản xuất vải đẩy mạnh việc chăm sóc, chủ động chuẩn bị tốt điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ thu hoạch. Rà soát, đánh giá tất cả mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vải thiều bảo đảm quy định của các nước nhập khẩu. Đẩy mạnh số hóa vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để phục vụ xuất khẩu; rà soát, thiết lập hồ sơ đánh giá vùng trồng vải xuất khẩu.
Sở Công Thương là cơ quan đầu mối tiếp nhận và xử lý kiến nghị của doanh nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu vải thiều và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh; đẩy mạnh hoạt động khơi thông, mở cửa thị trường mới…
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm