Thị trường hàng hóa
Giới chức Ấn Độ vừa cho biết sẽ cho phép kéo dài hoạt động xuất khẩu các lô gạo tấm vốn đang chờ được xuất đi tại nước này đến ngày 30/9 tới đây.
Trước đó, vào ngày 8/9, Tổng cục Ngoại Thương Ấn Độ đã quyết định ngưng xuất khẩu gạo tấm (mã HS 1006 40 00), có hiệu lực kể từ ngày 9/9. Một số lô hàng tiếp tục được xuất khẩu cho đến ngày 15/9 nếu đáp ứng một trong các điều kiện: hàng bắt đầu được xếp lên tàu trước khi có quyết định ngưng xuất khẩu; vận đơn đã được xuất và tàu đã cập bến, neo đậu tại cảng của Ấn Độ và số thứ tự xếp hàng lên tàu đã được phân bổ; hoặc lô hàng đã được chuyển cho đơn vị hải quan Ấn Độ trước khi có quyết định ngưng xuất khẩu và đã được hải quan đăng ký trên hệ thống.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng cũng áp thuế xuất khẩu lên tới 20% đối với các loại thóc gạo, gồm thóc (mã HS 100610), gạo lứt (mã HS 10620) và các loại gạo khác trừ gạo đồ và gạo Basmati (mã HS 10063090). Chính phủ Ấn Độ cho biết động thái ngưng xuất khẩu gạo tấm và áp thuế cao lên các loại thóc gạo xuất khẩu khác là nhằm đảm bảo nguồn cung, kiềm chế giá lương thực trên thị trường nội địa khi nhu cầu đối với một số loại thóc, gạo của nước này “tăng mạnh ở mức chưa từng có” trên thị trường quốc tế.
Một số nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ đã nhận định quyết định ngưng xuất khẩu đột ngột của Chính phủ Ấn Độ gây khó khăn cho các hợp đồng đã ký. Người mua không thể trả thêm 20% giá lô hàng và người bán cũng không thể bỏ ra 20% tiền thuế xuất khẩu.
Gạo tấm vốn chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo và các loại thóc, gạo khác bị áp thuế xuất khẩu 20% chiếm tới 18% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của thông thường của Ấn Độ.
Giới phân tích nhận định việc Ấn Độ, chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, bất ngờ siết chặt nguồn cung gạo sẽ đẩy giá gạo trên thị trường quốc tế tăng lên trong thời gian tới, khiến cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu hiện nay trầm trọng hơn. Đặc biệt việc ngưng xuất khẩu gạo tấm, loại gạo vốn có giá rẻ, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến những quốc gia có thu nhập thấp vốn đang dựa vào nguồn cung gạo tấm từ Ấn Độ để làm nguồn lương thực chính.
Ông Vinod Kaul, Phó giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, nhận định việc Ấn Độ ngưng xuất khẩu gạo tấm và đánh thuế cao với nhiều loại thóc gạo xuất khẩu sẽ khiến nước này đánh mất thị phần vào Việt Nam và Thái Lan.
Khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo vào năm 2007, giá gạo trên thị trường quốc tế đã tăng lên mức cao kỷ lục khoảng 1.000 USD/tấn. Kể từ đầu năm 2021, giá gạo đã điều chỉnh khoảng 45% so với mức đỉnh 570 USD/tấn trong 6 tháng và sau đó dao động trong khoảng 390 - 490 USD/tấn trong khoảng thời gian từ tháng 9/2121 đến nay bất chấp giá thực phẩm tăng cao.
Nguồn cung gạo toàn cầu đang đối mặt với nhiều rủi ro do tình trạng thời tiết khắc nghiệt ở các nước xuất khẩu lớn. Điều đáng chú ý, giá gạo đi ngược lại xu hướng tăng giá lương thực trong hai năm qua nhờ mùa vụ bội thu và trữ lượng tồn kho lớn tại các nước xuất khẩu.
Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt gần đây ở các nước xuất khẩu gạo lớn tại châu Á, nơi sản xuất khoảng 90% sản lượng gạo thế giới, có khả năng làm thay đổi xu hướng giá trong thời gian tới.
Tình trạng thiếu mưa ở Ấn Độ, hạn hán ở Trung Quốc và lũ lụt ở Bangladesh đã hạn chế năng suất và chắc chắn làm giảm sản lượng trong năm nay. Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, đang xảy ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại 7 tỉnh, dẫn tới việc sản lượng sản suất gạo nước này có thể bị sụt giảm 3 - 6% trong năm 2022.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, tồn kho toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm khi dự báo tỷ lệ tồn kho/tiêu thụ trong giai đoạn 2022 - 2023 (tỷ lệ hàng tồn kho trên tiêu thụ) chỉ ở mức 34,4% (so với mức trung bình 36,6% của giai đoạn 2018 - 2022).
Mặt khác, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu gạo lên mức kỷ lục 6 triệu tấn trong năm 2022 - 2023 do giảm năng suất. Bên cạnh đó, sự gia tăng bảo hộ mậu dịch của các nước trên thế giới nhằm đảm bảo an ninh lương thực từ khi những tranh chấp địa chính trị gần đây xảy ra. Có thể kể đến các lệnh cấm xuất khẩu lương thực bao gồm lúa mì và đường từ Ấn Độ, dầu cọ từ Indonesia. Các nước nhập khẩu thực phẩm như Philippines đang cố gắng tăng lượng tồn kho dự trữ. Vì vậy, gạo có thể sẽ tăng giá trên thị trường quốc tế trong thời gian tới.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm