Thị trường hàng hóa
Chuối của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực nhờ việc chú trọng cải thiện chất lượng. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 05 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu 742.000 tấn chuối, trong đó chuối từ Việt Nam chiếm 43% tổng sản lượng chuối nhập vào Trung Quốc.
Mặt khác, Việt Nam là thị trường cung cấp chuối lớn thứ 7 tại Nhật Bản trong 3 tháng đầu năm 2022, đạt 1,5 nghìn tấn, trị giá 166 triệu Yên (tương đương 1,3 triệu USD), tăng 38,5% về lượng và tăng 30,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, hàng loạt đơn đặt hàng nhập khẩu chuối đến từ EU, Hàn Quốc, Nga, Qatar... cũng khẳng định sức hút của trái chuối Việt trên thị trường quốc tế.
Theo tiêu chuẩn xuất khẩu, chuối của Việt Nam có thịt quả màu vàng sánh, dẻo, ngọt và có mùi thơm đặc trưng. Chuối giàu carbohydrate có thể giúp tăng cường cơ bắp. Loại trái cây này bổ sung hàm lượng phong phú vitamin B6 tốt cho hệ thần kinh và sản xuất năng lượng cần thiết cho cơ thể. Ngoài việc cung cấp năng lượng, chuối còn duy trì sức khỏe tiêu hóa tốt và giảm táo bón. Chuối chứa nhiều chất xơ, vitamin C, kali,… giúp tăng cường sức khỏe đường ruột và khả năng đề kháng cho cơ thể.
Sầu riêng Việt Nam đang ngày càng có nhiều cơ hội tăng cường sự hiện diện trên kệ hàng hoa quả thế giới. Nếu như cách đây vài năm, thị trường Úc chủ yếu nhập khẩu loại sầu riêng của Thái Lan và Malaysia, thì đến thời điểm hiện tại, sầu riêng Việt Nam gần như chiếm vị thế "thống lĩnh" tại thị trường này.
Trung Quốc là một trong những quốc gia "thèm sầu" nhất trên thế giới. Hầu như tất cả cửa hàng hoa quả tại Trung Quốc đều bày bán trái sầu riêng. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ yếu của sầu riêng Việt Nam, tuy nhiên hầu hết qua con đường tiểu ngạch. Ngày 16/06, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết các hồ sơ kỹ thuật của nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng đã được phía Việt Nam hoàn tất và gửi đi Trung Quốc, chờ phía bạn thống nhất và ký kết. Điều này giúp sầu riêng có đầu ra bền vững, thay vì xuất khẩu tiểu ngạch như trước.
Sầu riêng là loại quả có thể bảo quản đông lạnh dài ngày, dễ vận chuyển bằng đường biển nên có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp cận với thị trường quốc tế. Sầu riêng có vai trò giống như một loại vitamin tổng hợp tự nhiên và chứa các khoáng chất bổ sung tốt cho cơ thể. Nó cũng là nguồn dinh dưỡng giàu chất béo và chất xơ. Vitamin A, vitamin C, chất chống oxy hóa tự nhiên và các vitamin B-complex có trong sầu riêng đặc biệt có lợi cho sức khỏe.
Theo thông tin được đưa ra từ Cục Bảo vệ thực vật, xoài Việt Nam đang xuất sang 22 nước, chủ yếu là thị tường Trung Quốc. Sản phẩm từ xoài xuất sang 53 nước. Đặc biệt, xoài Việt Nam đã xuất khẩu thành công sang thị trường khó tính bậc nhất thế giới là Nhật Bản. Sản lượng nhập khẩu xoài Việt Nam sang Nhật năm 2021 đạt 640 tấn, tăng gấp 3 lần so với năm 2020.
Xoài được biết đến là vua của các loại trái cây mùa hè vì giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất tốt cho sức khỏe. Theo các nghiên cứu, thịt xoài có các hợp chất hoạt tính sinh học giúp giảm tổn thương tế bào, ngăn ngừa lão hóa sớm, cải thiện sức khỏe và giảm thiểu những bệnh mãn tính.
Năm 2022 là một năm bội thu của vải Việt Nam, với sản lượng đạt 320.000 tấn. Bắc Giang là vùng sản xuất vải lớn nhất cả nước với diện tích hơn 28.300 ha, tổng sản lượng thu hoạch vải thiều ước tính khoảng 180.000 tấn. Tỉnh Hải Dương có khoảng 9.000 ha vải, ước tính sản lượng đạt 60.000 tấn. Trung Quốc là thị trường chiếm 91% kim ngạch xuất khẩu của vải thiều Việt Nam. Vải Việt Nam cũng đã hiện diện tại các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, UAE...
Theo thông tin đưa ra tại diễn đàn "Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới" diễn ra ngày 16/06, 100% vải Việt nam xuất khẩu đều đáp ứng các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, đảm bảo cam kết với các thị trường thông qua việc giám sát chuyên môn ngay từ khi chăm sóc, ra hoa, chăm bón, đến khi thu hoạch, đóng thùng xuất khẩu.
Theo một số nghiên cứu, vải có nhiều lợi ích sức khỏe do chứa các thành phần dinh dưỡng như polyphenol, có tác dụng chống lại quá trình lão hóa, ung thư và bệnh tim. Bên cạnh đó, trung bình 100g vải tươi chứa 72mg vitamin C, không chỉ giúp cơ thể người tăng sức đề kháng mà còn tốt cho da, xương và các mô.
Bên cạnh xoài, thanh long là loại trái cây chính mà các nước khu vực Châu Âu nhập khẩu từ Việt Nam. Theo số liệu tổng hợp của Tổng cục Hải quan năm 2021, thanh long là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch đạt hơn 1,04 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 29,4% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước.
Đầu năm, thanh long xuất sang giảm mạnh khi Trung Quốc tăng cường các biện phát nghiêm ngặt để chống dịch. Tuy nhiên, các thị trường xuất khẩu thanh long như Úc và New Zealand đang liên tục ghi nhận sự tăng trưởng tốt. Hàng chục tấn thanh long đã thành công xuất khẩu sang Úc từ đầu năm đến nay.
Thanh long là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, giúp tăng cường khả năng nhiễm dịch. Theo một nghiên cứu, thực phẩm giàu chất xơ này có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Ngoài ra, thanh long có hàm lượng cholesterol thấp, hạt của nó chứa nhiều axit béo omega 3 rất cần thiết cho sức khỏe. Đặc biệt, loại quả này rất tốt cho việc giảm cân.
Theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, với năng lực tốt về nguồn cung, cùng với quá trình mở cửa hội nhập sâu rộng, Việt Nam đã từng bước khẳng định vị trí trên thị trường nông sản thế giới. Với việc không ngừng tăng cường chất lượng sản xuất, nâng cao quản lý tiêu chuẩn xuất khẩu, cải thiện môi trường và công nghệ trồng trọt – thu hoạch, trái cây Việt Nam sẽ tiếp tục được thế giới đón nhận nhiều hơn trong thời gian sắp tới.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm