Thị trường hàng hóa
Trong tháng 6, Mỹ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính đến hết tháng 5 đã tăng 8,6%, tốc độ tăng nhanh nhất trong 40 năm qua. Giữa "bão" lạm phát kỷ lục và rào cản tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực logistics, các doanh nghiệp luôn cần thay đổi để tránh tình trạng chuỗi cung ứng bị đứt gãy, gián đoạn.
Theo các nhà quản lý, áp dụng tự động hóa, sử dụng robot, lên kế hoạch và thắt chặt mối quan hệ với đối tác sẽ là những biện pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp hạn chế tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Mike Larsson, CEO công ty giải pháp Logistics ở Atlanta, cho biết đối diện với các biến động thị trường hiện nay là thời điểm lý tưởng để áp dụng tự động hóa giúp hệ thống vận hành linh hoạt hơn và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Cụ thể, việc áp dụng một số phần mềm phân phối sẽ cho phép doanh nghiệp ghi chép lại thông tin các đơn hàng, đồng thời, có thể phân tích dữ liệu khách hàng trong thời gian thực. Điều này giúp các đơn vị cung cấp điều chỉnh quy mô phù hợp với biến động thị trường và thách thức lao động.
Tính đến quý 2/2022, tăng trưởng thương mại điện tử là một trong số ít những ngành có điểm sáng. Do đó, gia tăng nhu cầu lao động và làm tự động hóa đang trở nên cấp thiết.
Công ty phân tích thị trường ABI Research dự báo, số lượng nhà kho sử dụng robot sẽ tăng từ 4.000 lên 50.000 trên toàn cầu vào năm 2025. Với robot, doanh nghiệp có thể đẩy mạnh tự động hóa sản xuất và phân phối để tăng sản lượng trong mùa cao điểm.
Các loại robot sử dụng trong hoạt động logistics được thiết kế giúp công nhân thực hiện các nhiệm vụ linh hoạt và đa dạng phù hợp với địa hình nhà kho. Trên thực tế, một số doanh nghiệp sử dụng các loại robot để đi theo người tuyển chọn hàng và hoạt động như những thùng lưu trữ di động với các đơn hàng đã được chọn.
Ngoài ra, sử dụng robot cũng có thể làm tăng khả năng vận chuyển vật liệu, hàng tồn trong kho. Để tránh việc lãng phí nhân lực và tối ưu hóa tự động hóa, công ty có thể sử dụng lại các nhân viên bị thay thế bởi tự động hóa cho các công việc khác như hỗ trợ kỹ thuật hay lập trình hay sử dụng, vận hành robot.
Nhà sản xuất nhãn hiệu tư nhân FedUp Foods có trụ sở tại Marshall, Bắc Carolina (Mỹ) tồn tại dựa vào hoạt động kinh doanh với các nhà cung cấp lâu đời. Theo CEO của FedUp, ông Zane Adams, việc trao đổi hàng hóa dư thừa để lấy hàng tồn kho với giá thấp giúp công ty tồn tại trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng.
Công ty của Adams đã đổi một sản phẩm của công ty để lấy giấy vệ sinh từ đối tác trong thời điểm đại dịch diễn ra. Đây là một trong những lý do để duy trì mối quan hệ bền chặt với các nhà cung cấp. Phản ứng thích hợp nhất của doanh nghiệp trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng là duy trì các giá trị hợp tác và thắt chặt mối quan hệ với đối tác để cùng nhau tồn tại và phát triển.
Nguồn cung đa dạng sản phẩm là lợi thế trong việc thu hút khách hàng, song, ở chiều ngược lại đây trở thành điểm yếu khi doanh nghiệp phải sản xuất nhiều sản phẩm và có thể dẫn đến sự thiếu hụt các nguyên liệu sản xuất. Bà Alison Cayne, Co-Founder & CEO của Haven's Kitchen, công ty nấu ăn sáng tạo tại New York, cho hay cửa hàng đã phải bỏ món nước sốt yêu thích ra khỏi menu trong đại dịch vì thiếu hụt nguồn nguyên liệu.
Ngay sau đó, công ty đã hạn chế các sản phẩm có danh sách thành phần phức tạp để tránh tình trạng thiếu hụt đột ngột từ phía nguồn cung. Những nguyên liệu phức tạp một khi bị thiếu hụt sẽ khiến mọi khâu sản xuất lâu hơn từ 2 đến 3 lần, do đó, doanh nghiệp cần hết sức cảnh giác với một số thành phần có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung để có các kế hoạch ứng phó phù hợp.
Theo Bill Thayer, người đồng sáng lập và CEO của Fillogic, nền tảng logistics cho các nhà bán lẻ tại New York, đại dịch đã khiến các doanh nhân rút ra bài học: không bao giờ là quá muộn để lập kế hoạch. Thayer chia sẻ rằng các doanh nghiệp nên lên kế hoạch cho mùa cao điểm trước một năm. Đồng thời, nếu vận chuyển các sản phẩm theo mùa, các công ty logistics nên nhanh chóng hành động.
Nói cách khác, kế hoạch kinh doanh là bản tài liệu giúp doanh nghiệp mô tả tổng quan về lộ trình phát triển doanh nghiệp, tiến độ sản xuất, doanh thu, chi phí,... Vậy nên, để có thể tồn tại và phát triển trong thời kỳ gián đoạn chuỗi cung ứng, tìm ra định hướng kinh doanh cho doanh nghiệp thì cần phải có một kế hoạch kinh doanh giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt tình hình thực tế và đưa ra được những định hướng trong tương lai.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm