Thị trường hàng hóa
Như những lĩnh vực khác, ngành bán lẻ đang trải qua quá trình thay đổi và thích ứng với các tác động từ cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình dịch chuyển lớn về mặt xã hội. Chuyển đổi số ngành bán lẻ là việc doanh nghiệp chuyển dịch từ mô hình "kinh doanh tập trung vào sản phẩm theo chuỗi cung ứng" sang hướng mô hình "kinh doanh tập trung vào khách hàng", dựa vào những dữ liệu theo chuỗi kỹ thuật số.
Trong đó, nổi lên là sự phát triển của mô hình bán hàng đa kênh (Omni Channel). Bán hàng đa kênh (Omni Channel) là hình thức cung cấp dịch vụ mua sắm cho khách hàng trên nhiều kênh khác nhau.
Với mô hình này khách hàng sẽ có trải nghiệm mua sắm liền mạch và không bị gián đoạn thông qua các kênh bán hàng phổ biến trong mô hình bao gồm ứng dụng bán hàng; website bán hàng; mạng xã hội; email; sàn thương mại điện tử; công nghệ mới… Sự phát triển của công nghệ số là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến sự thay đổi trong việc phát triển kênh theo dạng thức Omni Channel.
Theo khảo sát, 9 trong 10 khách hàng thích những trải nghiệm đa kênh hơn khi mua hàng. Trong giai đoạn mới, các doanh nghiệp ngành bán lẻ không chỉ kinh doanh sản phẩm, mà còn kinh doanh cả trải nghiệm khách hàng.
Do đó, các doanh nghiệp chuyển đổi số sẽ định vị lại ranh giới thị trường và bán lẻ truyền thống. Họ thúc đẩy sự thay đổi nội bộ theo hướng môi trường kinh doanh mới, được dẫn dắt bởi các chiến lược lấy khách hàng làm đầu.
Các công ty như Burberry đã có nhiều bước tiến hướng đến lĩnh vực bán hàng đa kênh. Nếu khách bước vào cửa hàng của Burberry, hệ thống máy tính có thể nhận diện món đồ mà họ đã tìm trên nền tảng trực tuyến, xem qua lịch sử mua hàng trước đó và đề xuất những món đồ tương tự. Hay IKEA - doanh nghiệp đã đưa công nghệ VR (thực tế ảo) vào trong hoạt động trải nghiệm cho khách hàng của mình.
Nhìn chung, xu hướng ngành bán lẻ trên thế giới đều đang trải qua 5 giai đoạn: chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, e-commerce (Thương mại điện tử), online to offline (Thu hút khách hàng tới các cửa hàng thực tế). Trong khi đó, Internet vạn vật (IoT) hiện kết nối hơn 11 tỷ sản phẩm hàng ngày qua các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, TV và xe hơi khiến online to offline phát triển hơn nữa.
Với công nghệ IoT, việc kinh doanh ngành bán lẻ dễ dàng và tiện lợi hơn bằng cách thu thập thông tin người tiêu dùng cả online và tại cửa hàng, cho phép họ gửi thông điệp tiếp thị có liên quan đến khách hàng của mình. Đây chính là mức độ cá nhân hóa gia tăng trong ngành bán lẻ.
Theo Jacqueline Baker, Giám đốc Trải nghiệm của VMLY&R Commerce, sau đại dịch Covid - 19, thị trường tiếp tục chứng kiến thực người tiêu dùng mua hàng khá nhiều tại các cửa hàng. Tuy nhiên, vai trò của các cửa hàng đối với mua sắm đã thay đổi.
Ngoài mục đích mua sắm những thứ thiết yếu hàng ngày, các cửa hàng đóng vai trò như một phòng trưng bày để lấy cảm hứng và "bán lẻ". Các cửa hàng phục vụ mục đích xúc giác và khơi dậy các giác quan, mang lại niềm vui cho người mua sắm.
Tại Việt Nam, doanh nghiệp muốn tiếp cận khách hàng tốt cũng phải bắt kịp xu hướng này nhằm đảm bảo cho người dùng được trải nghiệm tốt hơn. Hiện nay trên thế giới, các cửa hàng của những thương hiệu lớn không đơn giản chỉ là nơi trưng bày hàng hoá, mà chúng được đầu tư công nghệ, tăng thêm tính trải nghiệm cho người dùng, cung cấp thông tin về xu hướng, màu sắc…
Vì thế các nhà vận hành bất động sản cần nắm bắt đưa vào trong các thiết kế của mình. Những trải nghiệm này cũng tạo nên một câu chuyện hấp dẫn mà người tiêu dùng sẽ luôn nhớ đến và hào hứng hơn khi chia sẻ với nhau.
Người tiêu dùng đang quay lại mua hàng tại các cửa hàng vật lý khá nhiều nhưng nhu cầu mua sắm trực tuyến sẽ không bao giờ biến mất. Do đó xu hướng thứ 3 là mua sắm qua các nền tảng mạng xã hội sẽ tăng mạnh. Ví dụ mua hàng qua livestream Tik Tok Shop/Live, Instagram Live.
Dữ liệu từ Viện Sức khỏe Toàn cầu (GWI) cho thấy, trong năm qua, 62,6% người tiêu dùng Việt coi mạng xã hội là phương tiện tìm kiếm thông tin về thương hiệu và sản phẩm. Con số này cao hơn cả các công cụ tìm kiếm như Google, Bing,... (52,9%) hay các ứng dụng mua sắm trên điện thoại (37.9%).
Mặc dù vậy, để đưa ra quyết định mua sắm, người tiêu dùng Việt vẫn tin tưởng nhận xét từ người khác (90%) hơn là quảng cáo từ thương hiệu (30%). Do đó, để chinh phục người tiêu dùng hiện nay, đầu tư ngân sách vào mạng xã hội, đồng thời hợp tác với những người có tầm ảnh hưởng lớn tới quyết định mua hàng của người tiêu dùng như Influencer (người ảnh hưởng), KOC (khách hàng ảnh hưởng) hay các cộng đồng liên quan tới thương hiệu là chiến lược tiếp thị đáng để cân nhắc.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm