Thị trường hàng hóa
Các nhà quản lý của EU đang soạn thảo luật mới, yêu cầu các hãng công nghệ thu thập dữ liệu người dân sống tại các quốc gia thuộc EU (trong đó có Meta) lưu trữ và xử lý những dữ liệu này trên các máy chủ đặt tại châu Âu. Quy định này khiến Meta bối rối, bởi lẽ từ trước đến nay dữ liệu người dùng EU được Facebook xử lý tại các máy chủ đặt ở Mỹ.
Một khuôn khổ pháp lý mới, nhằm tạo điều kiện để Facebook chuyển dữ liệu người dùng từ châu Âu sang Mỹ đang được hoàn tất và dự kiến sẽ có hiệu lực vào mùa hè năm 2023. Tuy nhiên, thời điểm đó có thể là quá muộn.
Để nền tảng vận hành hiệu quả hơn, Meta từ lâu đã có kế hoạch chuyển dữ liệu người dùng từ châu Âu sang trụ sở chính ở Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch này buộc phải tạm ngưng do vấp phải sự phản đối của cơ quan quản lý Châu Âu. Theo đó, phía châu Âu lo ngại việc chuyển giao như vậy sẽ khiến dữ liệu người dùng của họ bị phía Mỹ xâm phạm.
Trước động thái này, EU và Mỹ đang thỏa thuận để đề ra một khuôn khổ pháp lý mới, nhằm cung cấp cho công dân EU mức độ bảo vệ dữ liệu giống như theo luật châu Âu. Các quan chức cho biết, khuôn khổ này có thể có hiệu lực vào mùa hè năm nay.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nó sẽ khó lòng được châu Âu thông qua. Trước đó, hai hiệp ước tương tự là Safe Harbor và Privacy Shield đều đã bị hủy bỏ bởi tòa án cấp cao nhất của Liên minh châu Âu.
Đối mặt với sự cấm đoán từ châu Âu, Meta từng cảnh báo sẽ rút khỏi thị trường này nếu EU không có một khung pháp lý phù hợp nào được thông qua.
Bất chấp sự đe dọa của Meta, bà Helen Dixon – người đứng đầu cơ quan quản lý châu Âu cho các công ty công nghệ Mỹ (như Apple, Google và Twitter) vẫn đang hoàn tất lệnh cấm đối với công cụ pháp lý được Meta sử dụng để chuyển dữ liệu người dùng châu Âu sang Mỹ. Hơn nữa, lệnh cấm này rất có thể sẽ có hiệu lực trước khuôn khổ mà Meta mong đợi.
Theo bà Dixon, lệnh cấm có thể có hiệu lực vào giữa tháng 5. Trong khi đó, khuôn khổ pháp lý giữa EU và Mỹ có thể mất nhiều thời gian hơn, vào khoảng tháng 7.
“Tôi khá chắc chắn về điều này”, Dixon trả lời phỏng vấn của Reuters. Nếu đúng như dự đoán của Dixon, khả năng cao Facebook và Instargram sẽ phải rút khỏi thị trường châu Âu như đã nói do luồng dữ liệu xuyên Đại Tây Dương bị gián đoạn.
Trước tình hình đó, người phát ngôn của Meta cho biết công ty “hoan nghênh những tiến bộ mà các nhà hoạch định chính sách đã đạt được nhằm đảm bảo việc truyền dữ liệu liên tục xuyên biên giới. Công ty chờ quyết định cuối cùng của cơ quan quản lý về vấn đề này”.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia cho rằng Meta và mạng xã hội Facebook sẽ rất khó rời thị trường châu Âu do đang có hàng trăm triệu người dùng tại đây.
"Lợi thế duy nhất của Meta khi rút khỏi châu Âu là sẽ không phải đối mặt với các vụ kiện chống độc quyền như ở Mỹ, cũng như các án phạt về quyền riêng tư. Tuy nhiên, công ty sẽ thiệt hại rất nhiều về tài chính và đây không phải là thứ mà Mark Zuckerberg muốn đánh đổi", The Next Web bình luận.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm