Thị trường hàng hóa
Biểu tượng ChatGPT của Công ty OpenAI tại một văn phòng ở Washington, D.C. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo thông tin từ OpenAI, bắt đầu từ chiều ngày 18/12 (giờ địa phương), người dùng tại Mỹ có thể sử dụng điện thoại để bàn để gọi và trò chuyện trực tiếp với ChatGPT. Trải nghiệm này giống như Advanced Voice Mode - tính năng đàm thoại thời gian thực mà ChatGPT đã cung cấp trước đó.
Người dùng giờ đây chỉ cần thực hiện một cuộc gọi để có thể đặt câu hỏi hoặc nhận hỗ trợ từ ChatGPT thông qua điện thoại cố định. Họ cũng có thể yêu cầu ChatGPT hỗ trợ dịch thuật. Công ty cho biết người dùng sẽ được sử dụng miễn phí trong 15 phút đầu tiên, sau đó cuộc gọi sẽ tự động kết thúc. Dịch vụ có thể áp dụng các phí viễn thông tiêu chuẩn sau khi hết thời gian miễn phí.
Ngoài việc hỗ trợ trên điện thoại cố định, ChatGPT cũng chính thức ra mắt trên nền tảng nhắn tin WhatsApp. Tại đây, người dùng có thể trò chuyện trực tiếp với trợ lý ảo mà không cần phải tạo tài khoản mới. Tuy nhiên, số lượt nhắn tin hàng ngày sẽ bị giới hạn, và khi đạt ngưỡng sử dụng, người dùng được khuyến nghị tải ứng dụng ChatGPT hoặc sử dụng phiên bản dành cho máy tính để bàn.
OpenAI cũng đang phát triển thêm các tính năng cho ChatGPT trên WhatsApp, như phân tích hình ảnh hoặc tìm kiếm trực tuyến. Tuy nhiên, thời điểm các tính năng này được công bố chính thức vẫn chưa được tiết lộ.
Ông Kevin Weil, Giám đốc Sản phẩm của OpenAI, cho biết mục tiêu của công ty là đảm bảo công nghệ trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) có thể phục vụ toàn nhân loại. Việc đưa công nghệ đến gần hơn với người dùng là minh chứng rõ ràng cho sứ mệnh này.
Trước đó, OpenAI đã triển khai tính năng ChatGPT Search - một công cụ tìm kiếm trực tuyến được hỗ trợ bởi AI, dành cho tất cả người dùng ChatGPT và đi kèm với một số tính năng mới.
Thay vì ra mắt một sản phẩm độc lập, tính năng tìm kiếm đã được tích hợp trực tiếp vào ChatGPT. Người dùng có thể kích hoạt chế độ tìm kiếm theo mặc định hoặc thủ công thông qua biểu tượng tìm kiếm trên giao diện.
Khi sử dụng, ChatGPT sẽ tự động xác định các câu hỏi cần tìm kiếm thông tin và chuyển qua tính năng ChatGPT Search. Ngoài ra, người dùng có thể trực tiếp nhấn vào biểu tượng "Tìm kiếm trên web". Tính năng này cung cấp các câu trả lời tóm tắt từ nhiều nguồn trực tuyến khác nhau, kèm theo nội dung đa dạng như hình ảnh hoặc video YouTube.
Trong một buổi phát sóng trực tiếp ngày 16/12, OpenAI đã thông báo rằng ChatGPT Search hiện đã nhanh hơn và có thể được đặt làm công cụ tìm kiếm mặc định trên các trình duyệt web. Bên cạnh đó, trải nghiệm tìm kiếm trên các thiết bị di động cũng đã được tối ưu hóa, với việc hiển thị kết quả một cách trực quan và dễ sử dụng hơn.
Các mẫu giao diện mới của ChatGPT Search được OpenAI giới thiệu có thiết kế tương tự với Google hoặc Google Maps nhưng không kèm quảng cáo. Đặc biệt, giao diện này còn mang nét giống Perplexity - một công cụ tìm kiếm AI tập trung vào trải nghiệm trò chuyện và cung cấp nguồn tham khảo trực tiếp trong câu trả lời.
Cuối cùng, ChatGPT Search cũng được tích hợp vào Advanced Voice Mode - tính năng đàm thoại thời gian thực của OpenAI.
Kể từ khi ra mắt, các chatbot như ChatGPT hay Claude của Anthropic thường chỉ giới hạn thông tin trong một khoảng thời gian nhất định, dẫn đến việc không thể cung cấp các dữ liệu mới nhất. Ngược lại, các nền tảng như Google và Microsoft lại kết hợp câu trả lời AI với kết quả tìm kiếm trên web.
Một số nhà xuất bản bày tỏ lo ngại về các công cụ tìm kiếm AI như ChatGPT Search, Perplexity hay AI Overviews của Google, cho rằng chúng có thể làm giảm lưu lượng truy cập vào các trang web cung cấp thông tin. Một nghiên cứu từ công ty Raptive đã chỉ ra rằng, AI Overviews có thể khiến lưu lượng truy cập giảm đến 25% khi người dùng không còn bấm vào các liên kết nguồn.
OpenAI chia sẻ rằng họ đã tiếp nhận ý kiến từ các đối tác để tối ưu hóa cách ChatGPT Search chọn bài viết phù hợp, điều chỉnh độ dài tóm tắt và sử dụng trích dẫn hợp lý.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm