Thị trường hàng hóa
Tại diễn đàn "Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17 -VESF 2025" diễn ra chiều ngày 7/1 tại Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2024, Việt Nam đã hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế. Trong đó, tăng trưởng GDP đạt 7,09% - đây là một chỉ tiêu rất cao. Quy mô nền kinh tế đạt 476,3 tỷ USD - đứng thứ 33 các quốc gia trên thế giới và tăng 2 bậc.
Chỉ số CPI ở mức 3,63%, trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao là 4%. Kim ngạch xuất nhập khẩu xấp xỉ 800 tỷ USD, xuất siêu 24 tỷ USD - con số này đánh đổ mọi kỷ lục từ trước đến nay... 2024 là năm đầu tiên số thu ngân sách nhà nước đạt trên 2 triệu tỷ đồng, vượt 324,4 nghìn tỷ đồng so với dự toán.
Hiện Chính phủ đang tập trung thực hiện 3 giải pháp đột phá. Thứ nhất, đột phá về hoàn thiện pháp luật, thể chế. Thời gian qua, đặc biệt những tháng cuối năm 2024 đã hoàn thiện một số luật như Luật Đầu tư công, Quy hoạch, Chứng khoán, Thuế, Quản lý tài sản công... để bảo đảm việc tháo gỡ điểm nghẽn của điểm nghẽn. Qua đó phát huy nguồn lực, tạo bước đột phá lớn hơn và mạnh mẽ hơn.
Thứ hai, phát triển cơ sở hạ tầng. Chính phủ đã dồn nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Chính phủ dự kiến bố trí 800 ngàn tỷ đồng cho đầu tư công trong năm 2025, tập trung vào các dự án trọng điểm như đường cao tốc, sân bay Long Thành, hệ thống cảng biển và đường sắt cao tốc Bắc - Nam...
Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu tại diễn đàn "Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17 -VESF 2025".
Thứ ba, đột phá về nguồn nhân lực. Thực hiện Nghị quyết 57 năm 2024 của Bộ Chính trị, hiện Chính phủ đang tập trung các giải pháp để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực một cách mạnh mẽ nhất, sát nhất, theo kịp với nguồn nhân lực chất lượng cao của thế giới.
Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, trong 3 đột phá trên có hàm lượng đột phá về khoa học công nghệ. Đột phá về công nghệ liên quan đến công nghệ và làm chủ công nghệ. Để làm chủ công nghệ phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Để đột phá về công nghệ phải có đột phá về chuyển giao công nghệ. Phải làm sâu sắc hơn vấn đề công nghệ và chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho công nghệ. Đây là giải pháp cốt lõi để làm thay đổi về bản chất tăng trưởng trong thời gian tới.
"Chẳng hạn, phải làm như thế nào để tăng trưởng với chất lượng cao nhất và tăng trưởng một cách mạnh mẽ nhất và bền vững nhất. Thúc đẩy vào những yếu tố nào để đạt được nền kinh tế xanh và nền kinh tế số. Kinh tế số đương nhiên liên quan đến công nghệ, kỹ thuật số, nền tảng công nghệ AI, dữ liệu lớn, IoT, điện toán đám mây, blockchain... Đây là những vấn đề cốt lõi để thúc đẩy năng suất lao động và sẽ kết nối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, kể cả văn hoá, du lịch, công nghiệp...", Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nói.
PGS,TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Kinh tế trung ương cho biết, hiện Việt Nam đang cùng lúc thực hiện 2 cuộc cách mạng. Đó là cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị và cuộc cách mạng về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Qua đó tạo bước chuyển mang tính đột phá để nền kinh tế đuổi kịp, tiến cùng các nền kinh tế phát triển.
Trong khi đó, bối cảnh thế giới và khu vực đã, đang và sẽ tiếp tục được dự báo có nhiều diễn biến nhanh hơn, phức tạp hơn và khó đoán định hơn trước.
Tất cả những yếu tố đó, cùng với yêu cầu vừa phải bảo đảm khắc phục được những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài trong nhiều năm, vừa phải giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh, để nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và duy trì với tốc độ cao, đáp ứng được các mục tiêu trước mắt cũng như trong dài hạn... đang đặt ra cho Việt Nam nhiều câu hỏi cần phải giải đáp, nhiều vấn đề cần có giải pháp xử lý, tháo gỡ.
Diễn đàn hôm nay là cơ hội tốt để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cùng nhau trao đổi, thảo luận đề tìm câu trả lời cho những vấn đề đó.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc bày tỏ mong muốn được lắng nghe các ý kiến của các diễn giả; những đóng góp quý báu, sự đóng góp thực chất của các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà khoa học cũng như nhà quản lý để hoàn thiện giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 và những năm tiếp theo đạt được 2 con số nhưng bền vững.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm