Thị trường hàng hóa
Theo ông, đâu là dấu ấn lớn nhất trong phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới (TMĐTXBG) của Việt Nam năm 2024?
Ông Trần Đình Toản: Theo tôi, dấu ấn lớn nhất của TMĐTXBG Việt Nam năm 2024 chính là sự phát triển của mô hình kinh doanh đa kênh.
Bên cạnh các nền tảng TMĐTXBG B2B (bán buôn), hiện nay đã xuất hiện các kênh, nền tảng mới hỗ trợ cho việc đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế. Có thể kể đến các kênh tiếp cận mới như B2C (bán lẻ), B2B2C (từ bán buôn tới bán lẻ), D2C (trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng) và các nền tảng cung cấp dữ liệu hỗ trợ cho hoạt động giao thương toàn cầu.
Không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả các cá nhân bán hàng (seller) cũng đang mở rộng kênh tiếp cận thị trường thông qua nhiều nền tảng và công cụ khác nhau. Điều này giúp họ linh hoạt trong việc lựa chọn hình thức kinh doanh, từ bán buôn B2B đến bán lẻ trực tiếp B2C.
Ông Trần Đình Toản - Phó Tổng giám đốc OSB Group, Thành viên Liên minh hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM).
Đặc biệt, các chợ truyền thống trước đây giờ cũng chuyển đổi sang hình thức online, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán hàng và hỗ trợ xuất khẩu. Xu hướng này không chỉ thúc đẩy TMĐT mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc chinh phục thị trường quốc tế.
Tóm lại, kinh doanh đa kênh đang trở thành xu hướng chủ đạo, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy xuất khẩu và nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ông đánh giá như thế nào về năng lực của doanh nghiệp Việt Nam trong việc ứng dụng TMĐTXBG?
Ông Trần Đình Toản: Theo tôi, các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự thích nghi tích cực với TMĐT. Một minh chứng rõ nét là khoảng cách giữa các doanh nghiệp ở thành thị và nông thôn, cũng như giữa doanh nghiệp lớn và nhỏ, đang dần được thu hẹp.
Nhận thức của doanh nghiệp về vai trò quan trọng của TMĐT nói chung và TMĐTXBG nói riêng là rõ ràng nhưng việc áp dụng sao cho đúng và đầu tư hiệu quả vẫn còn nhiều hạn chế. Không ít doanh nghiệp làm theo phong trào, đầu tư nửa vời hoặc coi TMĐT như một kênh phụ. Đây là sai lầm lớn, bởi nếu không chú trọng đầu tư đúng cách, sẽ rất lãng phí cả thời gian lẫn nguồn lực.
Hiện nay, các doanh nghiệp cần xác định rõ rằng TMĐT không còn là lựa chọn phụ, mà là kênh quan trọng để cạnh tranh. Việc đầu tư cần được thực hiện bài bản với kế hoạch và chiến lược rõ ràng. Cạnh tranh trên TMĐT rất khốc liệt, với nhiều đặc thù khác biệt so với thương mại truyền thống. Nếu không thích nghi, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn lớn.
Một ví dụ thực tế: vẫn có nhiều doanh nghiệp phản hồi câu hỏi của khách hàng quá chậm, có khi sau nửa ngày hoặc thậm chí vài ngày. Điều này không còn phù hợp trong thời đại hiện nay. Các doanh nghiệp cần đặt ra KPI cho nhân viên, chẳng hạn phải phản hồi khách hàng trong vòng vài giờ. Ngoài ra, cần bố trí nhân sự trực gian hàng 24/7 để đáp ứng nhu cầu toàn cầu, bởi khách hàng đến từ nhiều múi giờ khác nhau. Khách hàng ngày nay, đặc biệt là giới trẻ, rất bận rộn và thiếu kiên nhẫn, họ mong muốn được hỗ trợ nhanh chóng và trực tiếp.
Bên cạnh đó, các sàn TMĐT hiện nay đã tích hợp nhiều công cụ và tiện ích hiện đại, như AI hay VR, để nâng cao trải nghiệm người dùng. Việc sử dụng các nền tảng này có thể ví như lái một chiếc ô tô hiện đại: nếu không biết cách khai thác hết các tính năng hoặc sử dụng không đúng cách, sẽ rất lãng phí và có thể gây ra những hậu quả không mong muốn.
Theo giới chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự thích nghi tích cực với TMĐT.
Các nền tảng TMĐT từ B2B truyền thống đến những nền tảng mới, đều hướng tới mục tiêu gia tăng trải nghiệm khách hàng. Đây chính là yếu tố then chốt. Như người ta thường nói: "Traffic là King, còn trải nghiệm khách hàng là Queen".
Do đó, cả hai bên – nền tảng và doanh nghiệp – đều cần thích nghi. Nền tảng phải liên tục cải tiến và đa dạng hóa tiện ích, trong khi người dùng cũng phải biết tận dụng và khai thác tối đa những công cụ đó. Chỉ khi làm được như vậy, doanh nghiệp và các nền tảng mới đạt được hiệu quả bền vững trên TMĐT.
Ông dự đoán như thế nào về xu hướng phát triển của TMĐTXBG trong những năm tới, đặc biệt là sự kết hợp giữa thương mại và công nghệ?
Ông Trần Đình Toản: Trong những năm tới, TMĐTXBG sẽ phát triển theo hướng ngày càng chuyên sâu. Sau giai đoạn đa dạng hóa nền tảng, các doanh nghiệp sẽ tập trung chọn lọc và đầu tư vào những kênh phù hợp nhất với mình để đạt hiệu quả cao nhất.
Xu hướng gắn kết giữa thương mại và công nghệ là tất yếu và không thể tránh khỏi. Ngày nay, TMĐT không chỉ là việc bán hàng trực tuyến mà còn là việc áp dụng các giải pháp và tiện ích công nghệ hiện đại. Ví dụ điển hình là livestream bán hàng, một hình thức đã tạo nên sự thay đổi lớn trong kinh doanh.
Đối với mô hình B2B, công nghệ cũng đang hỗ trợ mạnh mẽ. Nếu trước đây, doanh nghiệp phải mất hàng tháng để phân tích dữ liệu thị trường, thì giờ đây, chỉ với vài giây và sự hỗ trợ của công nghệ như AI, máy học và các giải pháp công nghệ mới, họ có thể xác định ngay sản phẩm của mình phù hợp với thị trường nào và nên bán ở đâu. Điều này không chỉ giúp rút ngắn thời gian mà còn tăng hiệu quả kinh doanh đáng kể.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là các doanh nghiệp cần thích nghi nhanh với xu thế này để tối ưu hóa hoạt động và cắt giảm chi phí. Nếu trước đây, doanh nghiệp phải trải qua từng bước hoặc phải tự nghiên cứu, tự làm thì ngày nay với sự hỗ trợ của công nghệ và các dịch vụ giá trị gia tăng chuyên nghiệp, doanh nghiệp có thể đi tắt đón đầu trong việc ứng dụng TMĐT qua đó tối ưu chi phí và hiệu quả kinh doanh.
Từ thực trạng và xu hướng trên, ông có kiến nghị gì với cơ quan quản lý để hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, áp dụng TMĐTXBG hiệu quả?
Ông Trần Đình Toản: Thứ nhất, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường và đẩy mạnh các hoạt động quảng bá và hỗ trợ các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt các sản phẩm thương hiệu quốc gia qua kênh TMĐTXBG như hoạt động phát triển các gian hàng quốc gia, vùng miền trên các nền tảng TMĐTXBG, tổ chức các chương trình đặc biệt như hội chợ ảo, hội chợ thực tế ảo…
Thứ hai, xây dựng và khuyến khích các mô hình hợp tác công - tư để thúc đẩy phát triển TMĐTXBG thông qua việc xây dựng hạ tầng TMĐT, logistics, thanh toán quốc tế, sàn giao dịch tín chỉ carbon…
Thứ ba, tăng cường hơn nữa nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong việc ứng dụng TMĐTXBG thông qua các chương trình đào tạo, tư vấn chuyên sâu, các hoạt động nâng cao nhận thức và đặc biệt là các chương trình hỗ trợ về tài chính cho các doanh nghiệp tham gia các nền tảng TMĐTXGB qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam...
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm