Thị trường hàng hóa
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu dần phục hồi, Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội để đẩy mạnh, thương mại điện tử (TMĐT) và kinh tế số, biến lĩnh vực này thành động lực tăng trưởng quan trọng.
Theo báo cáo "Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024" của Google - Temasek, kinh tế Internet Việt Nam năm 2024 đạt 36 tỷ USD, tăng 16% so với năm ngoái. Trong đó, TMĐT bán lẻ tiếp tục dẫn đầu với doanh thu 22 tỷ USD, chiếm 61% tổng quy mô kinh tế Internet và tăng trưởng 18% so với cùng kỳ.
Dự báo, giá trị giao dịch toàn thị trường của Việt Nam có thể đạt 90-200 tỷ USD vào năm 2030 nhờ sự ổn định trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu.
Thứ trưởng Công Thương Trương Thanh Hoài.
Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhận định, để khai thác tối đa tiềm năng này, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, xây dựng chiến lược dài hạn nhằm tăng sức cạnh tranh và khả năng chống chịu.
Ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT) đánh giá, TMĐT bán buôn và bán lẻ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất đến tiêu dùng, tạo việc làm và thúc đẩy kinh tế. Với dân số 100 triệu người, trung bình mỗi người tiêu dùng mua hàng trực tuyến 4 lần/tháng, thị trường Việt Nam sở hữu tiềm năng phát triển vượt bậc.
Thống kê cho thấy, Việt Nam có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, 9.000 chợ truyền thống và gần 55.000 doanh nghiệp bán lẻ. Những đơn vị này đang chiếm tỷ lệ lớn trong doanh thu và việc làm, nhưng việc chuyển đổi số trong lĩnh vực này còn chậm. Việc số hóa hoạt động bán buôn, bán lẻ sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng qua nhiều kênh số khác nhau, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Nhấn mạnh vai trò của các nền tảng số, bà Đặng Thùy Trang - Giám đốc đối ngoại Grab Việt Nam chia sẻ, các nền tảng số mang lại giá trị bền vững cho người tiêu dùng, tài xế, thương nhân và cộng đồng. Nền tảng số không chỉ nâng cao trải nghiệm dịch vụ minh bạch, an toàn mà còn tạo cơ hội cho đối tác mở rộng thị trường, tăng thu nhập và nâng cao năng lực số. Đồng thời, đây cũng là công cụ hữu hiệu giúp cơ quan quản lý Nhà nước cải thiện hiệu quả quản lý và thúc đẩy chuyển đổi số.
Bà Đặng Thùy Trang - Giám đốc đối ngoại Grab Việt Nam.
Trong lĩnh vực năng lượng, ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc tư vấn FPT Digital, cho biết chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững. Bằng cách kết hợp giải pháp kỹ thuật số và mạng năng lượng thông minh, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa sử dụng năng lượng, giảm phát thải và tăng khả năng tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải đối mặt với ba thách thức chính: tài chính, công nghệ và cơ chế chính sách. Chi phí đầu tư lớn, khó khăn trong nâng cấp hạ tầng số và những thay đổi về quy định là rào cản không nhỏ. Ông Tuấn Anh khuyến nghị doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược bài bản, đánh giá rủi ro và tích hợp chuyển đổi số vào lộ trình chuyển dịch năng lượng để đảm bảo phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ diễn đàn diễn ra hai hội thảo chuyên đề. Trong đó, tại hội thảo chuyên đề 1 “Chuyển đổi số - Chuyển đổi xanh trong sản xuất và năng lượng”, các đại biểu, diễn giả đã trao đổi, thảo luận về các quan điểm phát triển cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số lĩnh vực công nghiệp sản xuất và năng lượng từ góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp.
Tại hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Xu hướng phát triển Thương mại điện tử bền vững trong kỷ nguyên số”, các diễn giả đã mang đến góc nhìn tổng quan về phát triển thương mại điện tử bền vững, đánh giá về những khó khăn còn tồn tại cũng, đồng thời đề ra giải pháp để thương mại điện tử bền vững.
Bên lề sự kiện còn có triển lãm các công nghệ, giải pháp chuyển đổi số, sản xuất thông minh, ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực công thương.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm