Thị trường hàng hóa
O2O là mô hình kinh doanh trực tuyến (online) kết hợp đan xen với cách thức bán hàng truyền thống (offline) cũng như tiếp cận chiến lược chuyển đổi số toàn diện nhằm tăng khả năng tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường, tối ưu hóa cơ hội bán hàng. Theo đó, các công ty sẽ thu hút khách hàng tiềm năng bằng cách tiếp cận thông qua các kênh trực tuyến, giúp khách hàng dễ dàng tìm được sản phẩm hiện có tại cửa hàng, và đến cửa hàng để mua sắm, đẩy mạnh doanh thu.
Sau dịch Covid - 19, ngành bán lẻ đang bước vào giai đoạn hồi phục và mô hình O2O đang khẳng định sức mạnh từ thế giới ảo sang đời thực. Những “ông lớn" áp dụng mô hình kinh doanh O2O thành công có thể kể đến những tên tuổi nổi bật như Zara, Starbucks, Burger King, Alibaba, Amazon…
Thương mại theo hình thức O2O sẽ xác định khách hàng tại một không gian trực tuyến nào đó như thông qua email, quảng cáo trên internet… Sau đó, doanh nghiệp cần sử dụng một loạt các công cụ và phương tiện để lôi kéo khách hàng rời khỏi không gian trực tuyến đó để đến với các cửa hàng thực tế thông qua các giá trị gia tăng cung cấp trên website bán hàng như coupon (phiếu/mã giảm giá) hay điểm tích lũy.
Có thể nói O2O là một giải pháp hoàn hảo dựa trên thực tế thói quen tiêu dùng của khách hàng và kết hợp hiệu quả các kênh bán hàng để đem lại lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp. Sức hấp dẫn không thể chối từ của mô hình kinh doanh O2O chính là những lợi ích mà nó có thể đem tới cho khách hàng.
Đối với khách hàng, mô hình này sẽ giúp họ tiết kiệm thời gian mua sắm. Bởi các trang bán hàng trực tuyến, các doanh nghiệp đưa sản phẩm đến với khách hàng một cách tự nhiên nhất, hoặc đáp ứng nhu cầu ngay khi khách hàng cần. Tại đây, khách hàng có thể thoải mái chọn lựa những sản phẩm yêu thích, nắm rõ được các thông tin về sản phẩm và mua hàng trên các kênh online từ đó tiết kiệm được thời gian mua sắm.
Khi khách hàng tiếp cận sản phẩm trên các trang trực tuyến và tới cửa hàng, cửa hàng trực tiếp sẽ thực hiện những công việc còn lại để thỏa mãn được các yêu cầu và thắc mắc của khách hàng. Quá trình tìm kiếm của khách hàng sẽ được mô hình O2O xử lý hiệu quả điều hướng về các cửa hàng cũng như ghi nhận các phản hồi của khách hàng sau khi đã có trải nghiệm tại cửa hàng. Nhờ đó, khách hàng có được trải nghiệm mượt mà, thống nhất trong hành trình mua hàng từ trước, trong và sau mua.
Đối với doanh nghiệp, ưu điểm lớn nhất khi áp dụng mô hình kinh doanh O2O đó là mở rộng được tệp khách hàng, kênh bán hàng nhờ vào việc tận dụng được nhiều các nền tảng trực tuyến như Facebook, Instagram, Website,… đây đều là những nơi có người dùng đông. Trong khi đó, kênh bán hàng truyền thống là các cửa hàng vẫn được tận dụng một cách hiệu quả.
Điều này cũng sẽ giúp cửa hàng của các thương hiệu được nhiều người biết tới hơn. Ngoài ra, mô hình O2O còn xây dựng cơ sở liên kết thuận lợi giữa khách hàng và doanh nghiệp. Khi người mua hàng dễ dàng liên hệ, trao đổi thông tin cùng bên bán hàng, từ đó tạo sự uy tín cho doanh nghiệp.
Một điểm ưu việt khác của mô hình kinh doanh O2O là đa dạng hình thức thanh toán. Trước đây, tại các cửa hàng truyền thống, tiền mặt được coi là phương thức thanh toán duy nhất. Bởi thế với những hàng hóa có giá trị lớn việc thanh toán trở nên bất tiện, tốn thời gian và ẩn chứa nhiều nguy cơ với cả khách hàng và người bán.
Khắc phục những vấn đề đó, mô hình O2O cho phép khách hàng được hỗ trợ đa dạng hình thức thanh toán từ tiền mặt đến thẻ ATM, tín dụng và chuyển khoản qua ngân hàng. Bằng cách đó, không chỉ giúp cho việc mua bán được diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, an toàn cho cả người bán và người mua.
Tại Việt Nam, mô hình kinh doanh O2O có nhiều điều kiện để phát triển. Bởi dù hình thức kinh doanh online vô cùng phát triển nhưng một bộ phận lớn khách hàng vẫn có thói quen sử dụng các hình thức mua hàng truyền thống.
Khảo sát từ công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới Google đã chỉ ra: một trong những rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến quyết định chi tiền của người tiêu dùng Việt là thói quen mua sắm. Họ có tâm lý e ngại về chất lượng hàng hóa, vì vậy luôn muốn trực tiếp chạm tay, trải nghiệm về sản phẩm. Do đó, kinh doanh đa kênh từ online đến offline hiện đang là một xu thế tất yếu.
Với bối cảnh ngành bán lẻ tiếp tục chuyển dịch trong thời kỳ "bình thường mới", điều các thương hiệu cần chính là sự thích nghi nhạy bén để sống còn và duy trì lợi thế cạnh tranh. Trải nghiệm khách hàng đa dạng hướng doanh nghiệp đến mục tiêu đầu tư cho hành trình mua sắm riêng biệt theo hành vi tiêu dùng, từ đó thiết kế những điểm chạm đắt giá, "bủa vây" cảm tính lẫn lý tính để thuyết phục khách hàng ra quyết định.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm