Thị trường hàng hóa
Theo báo cáo “Ngành bán lẻ Việt Nam: Mô hình đa kênh (Omnichannel) cất cánh” vừa được Deloitte Việt Nam phát hành thì xu hướng nổi bật trên thị trường bán lẻ hiện nay là việc omnichannel phát triển nhanh chóng sau đại dịch. Cụ thể, ngày nay, hầu hết người tiêu dùng Việt Nam ở khu vực thành thị đã quen với thói quen tiêu dùng trên nhiều kênh: Các cửa hàng truyền thống, website của nhãn hàng, nền tảng trao đổi của bên thứ ba, và ứng dụng giao đồ ăn, sau khi cân nhắc các yếu tố về thời gian giao hàng, giá cả, khuyến mãi - ưu đãi…
Báo cáo cũng cho biết, nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi đã nhanh chóng phát triển và xuất hiện trên nhiều kênh trong đó có cả các nền tảng giao đồ ăn. Nhiều thương hiệu đã phát triển và cho ra mắt ứng dụng điện thoại độc quyền để tương tác trực tiếp với khách hàng. Xét về thị phần, các chuỗi cửa hàng nước ngoài “thống trị” phân khúc cửa hàng tiện lợi của Việt Nam, với 4/5 thương hiệu hàng đầu thuộc sở hữu của các công ty đa quốc gia nước ngoài.
Đối với các siêu thị lớn, các công ty đa quốc gia nước ngoài tiếp tục chiếm ưu thế và một số siêu thị lớn sử dụng các loại sản phẩm độc đáo của riêng họ như một lợi thế cạnh tranh.
“Lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi nhanh chóng trong thời gian tới. Chúng tôi tin rằng, một số thói quen tiêu dùng gắn với mô hình đa kênh omnichannel sẽ không chỉ là tạm thời, mà sẽ trở thành thói quen lâu dài, khi người tiêu dùng quen với sự tiện lợi mà mô hình này đem lại”- ông Vũ Đức Nguyên - Phó Tổng giám đốc phụ trách ngành hàng tiêu dùng, Deloitte Việt Nam nhận định.
Trước xu thế trên, để cạnh tranh, các nhà bán lẻ nội địa đã và đang tích cực chuyển đổi để nâng cao sức cạnh tranh và giữ vững thị phần. Đơn cử như Saigon Co.op. Doanh nghiệp này đã phát triển đa dạng hóa mô hình và hiện đang sở hữu 10 mô hình bán lẻ khác nhau như cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, siêu thị, trung tâm thương mại, kênh bán hàng online…; đồng thời tập trung chuyển đổi số mô hình bán lẻ để nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.
Theo ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op, đứng trước những thay đổi của thị trường, Saigon Co.op đã phải nhìn nhận lại chính mình và có những thay đổi. Cụ thể, thay vì tập trung vào các chiến lược tiếp thị đại trà và dịch vụ đại trà thì doanh nghiệp đi sâu vào tìm hiểu sở thích nhu cầu của khách hàng từng vùng miền. Từ đó đa dạng hóa mô hình kinh doanh, chủng loại sản phẩm tăng cường tiện ích phục vụ để phục vụ khách hàng tốt hơn tăng cường dịch vụ.
“Bán lẻ truyền thống trước đây vốn chỉ tập trung vào sản phẩm mô hình chuỗi cung ứng như mua rẻ bán đắt, tối ưu hóa các khâu ở giữa và trải nghiệm tại cửa hàng. Nhưng nay với bán lẻ kỹ thuật số sẽ tập trung vào trải nghiệm khách hàng, mô hình chuỗi giá trị số, thu thập dữ liệu khách hàng, sản phẩm, địa điểm và biến dữ liệu này thành hành động, từ đó trải nghiệm số các hành trình khách hàng”- ông Đức chia sẻ.
Cũng theo ông Đức, doanh nghiệp này xuất phát từ mô hình hợp tác xã nên có những giới hạn nhất định về nguồn lực. Do vậy khi chuyển đổi mô hình kinh doanh theo xu hướng mới, doanh nghiệp đã đưa ra chiến lược nhằm đưa trực tuyến đến gần hơn với trực tiếp và đưa trực tiếp đến gần với trực tuyến. “Tại Saigon Co.op, khi khách hàng trải nghiệm mua sắm ở những cửa hàng vật lý sẽ có cơ hội tận hưởng những giá trị cộng thêm từ các cửa hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, thay vì đầu tư nguồn khổng lồ để xây dựng những nền tảng trực tuyến lớn với tỷ lệ rủi ro cao, Saigon Co.op sẽ dựa trên những cửa hàng vật lý đã có để biến những cửa hàng đó thành cửa hàng bán lẻ phục vụ riêng cho mua sắm trực tuyến”- ông Đức nói thêm.
Thực tế cho thấy, chiến lược này của Saigon Co.op đang có hiệu quả nhất định khi một số phân khúc như siêu thị Co.opmart, cửa hàng Co.op Food đang chiếm thị phần nhất định và tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng.
Ngoài Saigon Co.op, Masan Group cũng hướng tới mục tiêu chuyển đổi từ điểm mua sắm thuần túy trở thành điểm đến “tất cả trong một”, tích hợp từ offline đến online, phục vụ các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu và thường xuyên như mua sắm nhu yếu phẩm, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, F&B và chăm sóc sức khỏe.
Theo đó mới đây doanh nghiệp này ra mắt hệ sinh thái WINLife với chuỗi 27 cửa hàng đa tiện ích đầu tiên đáp ứng đầy đủ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng với trải nghiệm tiện lợi, xuyên suốt offline-to-online tại điểm đến “tất cả trong một”.
Được biết, WIN phục vụ các nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người Việt như: nhu yếu phẩm (WinMart+), dịch vụ tài chính (Techcombank), chuỗi F&B (Phúc Long), dịch vụ viễn thông (Reddi) và Dr.Win - kiosk chăm sóc sức khỏe do Masan tự phát triển.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm