Thị trường hàng hóa
Tuyến cáp quang biển quốc tế APG đã gặp sự cố lần đầu tiên trong năm 2023. Nguyên nhân là do đứt cáp trên nhánh S9 cách trạm cập bờ SEA khoảng 151 km. Sự cố lần này gây mất toàn bộ dung lượng cáp APG hướng kết nối đi Singapore và Nhật.
Điều đáng nói là ngay trước đó, từ 4h sáng ngày 26/12/2022, tuyến cáp APG đã gặp sự cố trên phân đoạn S6 gần HongKong (Trung Quốc) và sự cố này vẫn chưa được khắc phục, sửa chữa.
Hơn thế, ngoài tuyến cáp APG, một tuyến cáp biển khác là Asia America Gateway (AAG) cũng đang có các lỗi chưa được sửa chữa, gây gián đoạn dịch vụ trên tuyến. Trong năm 2022, cáp AAG gặp sự cố trên các hướng kết nối đi Singapore và HongKong (Trung Quốc).
Với hướng cáp Singapore, AAG gặp sự cố trên nhánh S1B, S1D và lỗi nguồn tại trạm cập bờ TungKu (Brunei); ở hướng kết nối Hong Kong (Trung Quốc), AAG bị lỗi trên nhánh S1H và S1I. Các lỗi trên cáp AAG hiện vẫn chưa được khắc phục xong.
Ngay sau khi phát hiện các sự cố cáp biển, các ISP tại Việt Nam đều đã khẩn trương triển khai phương án dự phòng, chuyển lưu lượng kết nối quốc tế sang các tuyến cáp biển IA và SMW3 cũng như các tuyến cáp đất liền khác. Đơn cử như CMC đã chuyển lưu lượng sang các hướng cáp đất liền qua Trung Quốc và hướng kết nối đi Singapore qua Campuchia.
Khai thác từ giữa tháng 12/2016, Asia Pacific Gateway (APG) là tuyến cáp biển góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam.
Có chiều dài khoảng 10.400 km, tuyến cáp APG được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Tuyến cáp quang biển này có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam VNPT, Viettel, FPT và CMC.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm