Thị trường hàng hóa
Báo cáo tại Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cho biết, ASEAN hiện là một trong những khu vực mà kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đạt tổng giá trị giao dịch 218 tỷ USD trong năm 2023. Dự kiến quy mô nền kinh tế số tại khu vực sẽ đạt 600 tỷ USD vào năm 2030, tỷ lệ tăng trưởng kép là 16%/năm.
Tại ASEAN, Việt Nam là nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2022, 2023 và dự kiến sẽ duy trì vị trí này đến năm 2025.
Nếu năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thì năm 2021 đứng thứ 3 và hai năm tiếp theo 2022, 2023 đứng thứ 1. Cụ thể, báo cáo của Google xác định kinh tế số Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 28%, 2023 đạt 19%, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2022 xếp Việt Nam hạng 55 toàn cầu, trong khi Singapore xếp thứ 2, Malaysia 29, Thái Lan 31. Về xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng.
Còn theo đánh giá của Việt Nam, chỉ số chuyển đổi số quốc gia (DTI) tăng đều qua các năm, đến năm 2022 đạt 0,71 điểm; các chỉ số thành phần về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 45 - 55%.
Về giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, nếu năm 2019 mới chỉ đạt gần 11% thì từ năm 2020 đến nay có bước tăng trưởng đột phá, đến nay đạt 55%, tăng gấp 5 lần so với cả giai đoạn trước 2020. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở năm 2019 chỉ khoảng 5%, thời điểm hiện tại, tỷ lệ này đạt 43% (tăng hơn 8 lần).
Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỉ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5% và đến tháng 6/2024 là 18,5%...
Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, các chuyên gia dự báo, kinh tế số Việt Nam có thể đạt mục tiêu 20% GDP vào năm 2025.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm