Thị trường hàng hóa
Trong nửa đầu năm 2022, thị trường đã chứng kiến một "hợp lưu” chưa từng có bao gồm những thách thức lạm phát tăng cao, nguy cơ suy thoái toàn cầu, tác động tiêu cực của căng thẳng địa chính trị. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp SME không nên quá tiêu cực, thậm chí nên tận dụng cơ hội để tái định hình trong tương lai.
Ông Christopher Ong, Giám đốc điều hành của Công ty DHL Express Singapore, cho biết ông đã quyết định tăng tốc quá trình chuyển đổi số của công ty trong thời kỳ đại dịch - thời kỳ gián đoạn mà mọi doanh nghiệp đều không dám bước ra khỏi vùng an toàn. Điều này khiến dịch vụ giao hàng của công ty thu hút nhiều khách hàng hơn thông qua việc thanh toán trực tuyến không tiếp xúc.
Đồng thời, các trung tâm điều phối của hãng cũng sử dụng các phương tiện có hướng dẫn tự động thay cho xe nâng cần người điều khiển. Vào quý III/2020 khối lượng giao hàng của DHL đã trở lại mức trước đại dịch. Christopher Ong nói rằng công ty của ông đã giao một khối lượng hàng khổng lồ trong “mùa dịch cao điểm” suốt hơn 18 tháng qua.
Bà Low Yen Ling, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singrapore, nhận định trong 2 năm qua, ngày càng có nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ ở Singapore và các nước trong khu vực đẩy mạnh công nghệ kỹ thuật số trong hoạt động kinh doanh. Theo đó, hơn 86% cửa hàng, doanh nghiệp tập trung tại các khu đô thị cao tầng bình dân (HDB) đã cung cấp dịch thanh toán điện tử thông qua các sàn thương mại điện tử hoặc thanh toán trực tiếp.
Theo bà Low, các doanh nghiệp SME luôn luôn có những cơ hội trong thời gian khủng hoảng. Bởi các nước sẽ dùng mọi biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế mở, tuy nhiên điều quan trọng là các doanh nghiệp phải phản ứng kịp thời.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, Vick Aggarwala, CEO của Công ty phân phối linh kiện điện tử Supreme Components International (SCI), khẳng định xu hướng tách biệt này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp SME tiến tới quốc tế hóa. Ông nói rằng đây là cơ hội để các doanh nghiệp SME tiếp cận với khách hàng bằng công nghệ hoặc Internet.
Trong khi các công ty đều đang cố gắng bảo vệ thị trường của riêng mình thì doanh nghiệp SME cũng cần phải thay đổi hình thức tiếp cận khách hàng quốc tế bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Cụ thể, một nửa mức tăng trưởng “phi thường” của SCI trong vài năm qua là do các nhân viên kinh doanh của công ty áp dụng công nghệ vào các hoạt động tiếp cận khách hàng.
Theo bà Low Yen Ling, sức nặng của nền kinh tế toàn cầu đang chuyển dần sang châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Các tập đoàn khu vực châu Âu đang tìm kiếm các địa điểm mới để thay thế nguồn cung ứng hiện tại và các nước Đông Nam Á có thể là một cơ sở vững chắc cho hoạt động chuỗi cung ứng và các giải pháp đổi mới chuỗi cung ứng.
Cùng quan điểm, ông Ong của DHL Express cho rằng các doanh nghiệp SME nên tận dụng tình hình thị trường hiện nay. Điều này xuất phát từ việc số lượng doanh nghiệp nước ngoài đã tăng đáng kể vốn đầu tư và đặt trụ sở chính tại Singapore trong 2 năm qua.
Bên cạnh đó, ông Loke Wai San, Chủ tịch Công ty dịch vụ điện tử AEM Holdings cũng chỉ ra ví dụ về chiến lược lưu thông kép của Trung Quốc, từ đó tìm cách thúc đẩy nhu cầu nội địa và đẩy mạnh hoạt động đầu tư. Ông cho rằng đây là cơ hội để các doanh nghiệp SME suy nghĩ về cách xây dựng một mô hình tương tự theo cách riêng.
Hiện tại, điều mà các doanh nghiệp SME nên hiểu là tính bền vững không phải là vấn đề về chi phí mà sẽ là lợi thế để doanh nghiệp cạnh tranh lâu dài. Các nước đang nỗ lực thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hướng đến sự phát triển bền vững, nền kinh tế xanh.
Điển hình như Singapore đã khởi động Chương trình phát triển bền vững doanh nghiệp trị giá 180 triệu USD vào tháng 10/2021 để hỗ trợ các doanh nghiệp SME trong việc nâng cao năng lực và nắm bắt các cơ hội mới từ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, ưu tiên sự bền vững. Việt Nam đang là một trong những quốc gia triển khai năng lượng xanh (năng lượng gió, mặt trời…) mạnh mẽ trên thế giới.
Từ đó cho thấy, xu hướng doanh nghiệp hiện nay là vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo vệ được môi trường. Mô hình kinh tế tuần hoàn đã thay thế cho mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, hướng tới phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững, tái tạo tài nguyên theo chu trình khép kín nhằm giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường, mang lại giá trị kinh tế - xã hội.
Cộng đồng doanh nghiệp được xác định là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững.
Theo quan điểm của Loke Wai San, ngoài việc cạnh tranh về chi phí, chất lượng các công ty nên nghĩ đến việc cạnh tranh thông qua công nghệ đổi mới và tính bền vững. Ông cho rằng làm như vậy sẽ là chìa khóa để tạo ra sự khác biệt cho thế hệ tiếp theo của những “nhà vô địch chuỗi cung ứng”.
Ông cũng lưu ý các doanh nghiệp SME cần thay đổi suy nghĩ hướng đến bền vững đồng nghĩa với chi phí cao hơn. Đơn giản như việc ra mắt xe điện (EV) của DHL ban đầu được coi là một khoản đầu tư lớn, nhưng công ty đã gặt hái được khoản lợi nhuận khổng lồ khi chi phí vận hành hàng ngày dành cho xe điện thấp hơn rất nhiều so với giá nhiên liệu.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm