Thị trường hàng hóa
Chia sẻ tại hội nghị “Xu hướng chuyển đổi kép và vai trò của công nghệ trong sứ mệnh phát triển kinh tế số tỉnh Bình Dương”, ngày 16/7, ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, thời gian qua, các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và tài nguyên môi trường đã tạo ra những thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam và trên toàn thế giới.
Để thích ứng với những yêu cầu mới này, các doanh nghiệp cần tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mang tính bền vững hơn. Việc kết hợp chuyển đổi số với chuyển đổi xanh, hay còn gọi là “chuyển đổi kép” là giải pháp đối với xu thế phát triển đó.
Qua đó, giúp doanh nghiệp không chỉ bảo đảm mục tiêu kinh doanh mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực của mình.
Tính đến tháng 6/2024, số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 8%.
Trên thế giới, thuật ngữ “chuyển đổi kép” đang xoay quanh 3 trụ cột chính, bao gồm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững. Cùng với đó là tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính.
Đánh giá về thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thơ - cố vấn cấp cao tại Digiwin Software cho biết, năm 2023, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam chiếm 23,88% tổng GDP cả nước. Đạt trên 2,4 triệu tỷ đồng, và thu hút hơn 23,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất, chiếm 64,2% tổng vốn FDI.
Tính đến tháng 6/2024, kinh tế số đã đạt mức tăng trưởng 22,4%, tương đương 18,4% GDP. Tổng doanh số bán lẻ tăng trưởng 80% so với năm 2023 và số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 8%.
Riêng đối với Bình Dương, hiện địa phương đang sở hữu 28 khu công nghiệp, nơi tập trung các ngành công nghiệp chủ lực như chế biến chế tạo (điện tử, cơ khí, dệt may, thực phẩm), phân phối điện khí đốt và cung cấp nước, xử lý rác thải).
Với 28 khu công nghiệp, Bình Dương là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước. Các ngành công nghiệp chủ lực tại đây đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước và tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương.
Ngày 8/3/2024, Trung tâm chuyển đổi số Bình Dương đã được thành lập, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của Bình Dương. Hướng đến xây dựng một đô thị thông minh vào năm 2030.
Trung tâm này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt đời sống xã hội. Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tuy nhiên, theo ông Thơ, nỗ lực chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế số của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức. Đó là khoảng cách về chuyển đổi số, khả năng tiếp cận vốn, vấn đề sở hữu trí tuệ, hệ thống pháp lý và hệ sinh thái số còn nhiều bất cập.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm