Thị trường hàng hóa
Năm 2017, Apple bắt đầu lắp ráp iPhone ở Ấn Độ nhưng tiến độ còn khá chậm. Đến năm 2021, sản lượng iPhone lắp ráp tại đất nước Nam Á tăng lên 50% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức một triệu chiếc. Nhận thấy thị trường điện thoại thông minh ở Ấn Độ ngày một phát triển, Apple dự định triển khai mô hình sản xuất iPhone tại quốc gia này.
Apple sẽ tăng cường hoạt động sản xuất tại Ấn Độ để bù đắp sản lượng thiếu hụt tại các nhà máy ở Trung Quốc. Táo khuyết có thể triển khai dự định này vào cuối năm nay và dần thu hẹp khác biệt sản lượng iPhone giữa Trung và Ấn.
Nhà phân tích Ming-Chi Kuo, thành viên Tập đoàn chứng khoán quốc tế TF, dự đoán Apple sẽ xuất xưởng iPhone 14 từ cả hai quốc gia gần như cùng một lúc. Đây sẽ là cột mốc quan trọng trong nỗ lực của Apple nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và xây dựng phương án dự phòng.
iPhone mới thông thường sẽ mất từ 6 - 9 tháng kể từ ngày ra mắt để được lắp ráp tại nhà máy Foxconn ở Ấn Độ. Giờ đây, Apple và Foxconn đã giảm con số này xuống còn 2 tháng.
Việc Apple sản xuất iPhone 14 ở quốc gia thứ hai ngoài Trung Quốc không phải là quá bất ngờ. Ngày càng có nhiều công ty tìm kiếm các giải pháp thay thế bên ngoài Trung Quốc để phù hợp với dây chuyền lắp ráp của họ. Chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc đã khiến các trung tâm sản xuất chính như Thượng Hải và Bắc Kinh nhiều lần phong tỏa càng khiến các công ty phải tìm kiếm giải pháp mới.
Ấn Độ là một thị trường đầy hứa hẹn với Apple khi quốc gia này có tới 1,4 tỷ dân và đang mở cửa chào đón các công ty công nghệ lớn. Tuy vậy, tính bảo mật thông tin là một trong những thách thức tại Ấn Độ. Apple luôn cố gắng tối đa tính bảo mật và việc duy trì đồng thời hoạt động sản xuất ở cả 2 quốc gia sẽ khiến việc này trở nên khó khăn hơn.
Hoạt động thông quan cũng là một vấn đề lớn của Ấn Độ khi hải quan nước này phải mở các kiện hàng để kiểm tra. Điều này có thể làm lộ thông tin về chiếc iPhone mới.
Việc Apple quyết định sản xuất iPhone tại Ấn Độ được xem như một thắng lợi lớn đối với chính sách “Make in India” của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Chính sách này bắt đầu được thực hiện từ tháng 9/2014, với mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước để biến Ấn Độ trở thành trung tâm chế tạo của thế giới.
Sau sáng kiến “Make in India”, cũng như các sáng kiến “Skill India”, “Digital India”, Ấn Độ đã vươn lên lọt vào top 10 nước thu hút đầu tư lớn nhất thế giới ngay trong năm 2014, với 34 tỷ USD, tăng 22% so với 28 tỷ USD của năm 2013, chiếm 83,5% tổng vốn đầu tư vào khu vực Nam Á (41,2 tỷ USD). Con số đã tăng lên 44,2 tỷ USD trong năm tài chính 2014 - 2015 và đạt mức kỷ lục 55,4 tỷ USD trong năm tài chính 2016.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm