Thị trường hàng hóa
Mới đây, nền tảng Got It AI (nền tảng ra đời năm 2008 từ một dự án nhỏ về AI của Got It - startup Việt đang có trụ sở ở Thung lũng Silicon ở Mỹ) đã giới thiệu ELMAR - kiến trúc mô hình ngôn ngữ dành cho DN, có khả năng tạo ra các chatbot giao tiếp với khách hàng.
Chia sẻ về giải pháp mới của mình, ông Lê Anh Dũng (Tommy Le), đại diện Got It AI cho biết, đơn vị này là một trong những công ty đầu tiên áp dụng AI tạo sinh vào việc xây dựng những ứng dụng dành cho DN. Tiêu biểu có thể kể đến như ArticleBot - một ứng dụng mang lại trải nghiệm tương tự như ChatGPT dành cho DN, được Got It AI phát triển trước cả khi ChatGPT ra đời.
Vì đã có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đội ngũ của công ty nhanh chóng nhận ra rằng, đối với các DN, việc sử dụng các ứng dụng "AI tạo sinh” (Generative AI- AI tập trung vào việc tạo ra nội dung/dữ liệu mới dựa trên dữ liệu hiện có) là điều tất yếu. Đồng thời các DN cũng muốn có sự bảo đảm về bảo mật, về độ chính xác ở quy mô lớn với giá thành phù hợp.
“Vì vậy, ELMAR của chúng tôi mang đến những trải nghiệm bảo mật hơn, nhanh hơn, tốt hơn và rẻ hơn so với những chatbot framework (chương trình khung) trước đây cũng như những nền tảng mới ra mắt như ChatGPT và GPT-4”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, Got It AI đã gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng ELMAR. Một trong số đó là việc xác định được những dữ liệu nào của DN là dữ liệu phù hợp để đào tạo mô hình ELMAR. Ngoài ra, đội ngũ phát triển cũng gặp thử thách trong việc mở rộng các ứng dụng của ELMAR trong khi vẫn phải đảm bảo mô hình hoạt động suôn sẻ ở quy mô lớn.
Về thuận lợi, nhờ có việc làm chủ công nghệ lõi, cùng với tư duy và kinh nghiệm xây dựng sản phẩm cho DN, công ty có thể xác định được chính xác điều cần làm. Để rồi, Got It AI đã cho ra đời một mô hình ngôn ngữ có thể được triển khai trong hệ thống nội bộ của các DN, đi kèm sự bảo đảm về tính chính xác và bảo mật dữ liệu.
Đại diện Got It AI khẳng định, đơn vị đã và đang xây dựng các sản phẩm sử dụng ELMAR hướng đến người dùng cuối, ví dụ như ArticleBot - một sản phẩm cho phép người dùng hỏi đáp về tài liệu cung cấp bởi DN, hay các trợ lý ảo dựa trên AutoFlow (công nghệ tự động xây dựng luồng dữ liệu hội thoại phát triển bởi Got It AI).
“Kế hoạch của chúng tôi là phát triển nhiều ứng dụng khác nhau dành cho DN. Những ứng dụng này không những tốt hơn, rẻ hơn mà cũng nhiều tính năng hơn", ông Dũng cho biết thêm.
Bên cạnh đó, về kế hoạch mở rộng, do mô hìnhELMAR không bị giới hạn bởi quốc gia hay ngôn ngữ nên Got It AI đang làm việc với nhiều DN ở Việt Nam và các quốc gia Châu Á khác để nâng cao các trải nghiệm trong việc chăm sóc khách hàng.
Theo ông Dũng, ELMAR đã và đang hoạt động tốt hơn đáng kể so với các mô hình khác về độ chính xác của chatbot cũng như giảm thiểu tỷ lệ chatbot bị ảo giác (hallucination rate).
Sự khác biệt lớn nhất nằm ở việc giải pháp của Got It AI không những đi kèm với các công cụ kiểm chứng như Truth Checker cũng như các tính năng bảo vệ DN mà còn nhanh hơn, tốt hơn, với chi phí thấp hơn. Đặc biệt là ELMAR có kích thước nhỏ nên có thể hoàn toàn chạy được trên hạ tầng nội bộ của các DN để tránh rủi ro về rò rỉ thông tin và bí mật kinh doanh.
Trong vài năm trở lại đây, hầu hết DN đều đã ứng dụng mô hình chatbot, tuy nhiên, không thực sự hiệu quả hoặc chỉ trả lời được những câu hỏi hết sức cơ bản mà người dùng cần. Lý giải cho việc này, ông Dũng cho rằng, bởi vì các chatbot của DN hiện tại chỉ được thiết kế để xử lý những luồng hội thoại theo mẫu cho trước. Những chatbot này tỏ ra rất yếu kém khi nhận được những phản hồi không chính xác, không liên quan đến cuộc hội thoại từ phía người dùng. Để giải quyết bài toán này, các DN phải nhanh chóng thích nghi và đưa vào sử dụng những ứng dụng, công cụ mới nhất dựa trên “AI tạo sinh”.
“Bởi vì, chatbot dựa trên AI tạo sinh có khả năng chống chịu rất khi tốt dữ liệu bị nhiễu, cũng như có thể xử lý linh hoạt theo ngữ cảnh và chủ đề của cuộc hội thoại, kể cả khi chủ đề bị thay đổi”, ông Dũng lý giải.
Đồng thời, việc sử dụng và tận dụng lợi thế mà các chatbot “AI tạo sinh” như ELMAR mang lại, chatbot của DN sẽ tự động trở nên thông minh hơn mà DN không cần có sự chuẩn bị gì khác.
Mặc dù vậy, việc chatbot có thể đưa ra câu trả lời với những nội dung không chính xác thực sự là một vấn đề đáng quan ngại. Đó là lý do bên cạnh ELMAR, Got It AI cũng phát triển công cụ kiểm chứng như TruthChecker và những tính năng bảo vệ DN khác, để bảo đảm rằng chatbot không bị ảo giác khi cung cấp thông tin đến cho người dùng.
Ngoài ra, với công nghệ hiện tại, chatbot chưa thể thay thế hoàn toàn được việc tương tác giữa con người với con người. Nhưng với việc sở hữu những mô hình AI mạnh mẽ được đào tạo với lượng dữ liệu khổng lồ và đa dạng, khoảng cách giữa chatbot với con người sẽ ngày càng thu hẹp. Để rồi, thời gian tới, chat bot sẽ bắt kịp và thay thế con người ở một số công việc nhất định.
Cụ thể, AI sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới tất cả các công việc hiện có trên thị trường và có thể sớm thay thế được con người ở những công việc như tổng đài viên chăm sóc khách hàng, kế toán, sáng tạo nội dung… “Điều chúng ta cần làm là sớm thích nghi và tận dụng sức mạnh của AI, bởi vì ai kịp thay đổi sẽ tồn tại và chiếm lĩnh thị trường”, ông Dũng chia sẻ thêm.
Trao đổi về cơ hội của các DN trong nước, ông Dũng cho rằng, thế giới đã trở nên phẳng từ khi Internet ra đời nên các DN Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để tham gia và cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường AI ở trong nước và quốc tế. Nhất là từ sau đại dịch COVID-19, việc làm từ xa trở nên phổ biến đã giúp các DN Việt Nam tiếp cận được với nguồn nhân lực trình độ cao ở nước ngoài. “Do đó, tôi nghĩ việc cạnh tranh được hay không hoàn toàn dựa vào việc sản phẩm của chúng ta có đủ tốt hay không”, ông Dũng bày tỏ.
Nhất là khi Chính phủ và các cơ quan liên quan đã và đang tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các DN CNTT phát triển. Vì vậy, những rào cản nếu có đều xuất phát từ nội tại của chính DN.
Kể từ khi ChatGPT ra đời, mọi người đều đã chứng kiến sự cạnh tranh hết sức khốc liệt về AI giữa các công ty công nghệ, khi mà mỗi tuần lại thấy có một sản phẩm hoặc một hướng tiếp cận mới.
“Do đó, các DN cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về sản phẩm, đặc biệt là về nhân sự trước khi tham gia vào thị trường này. AI không phải và không nên là thứ ta vơ vào chỉ để thể hiện rằng ta đang bắt kịp thời đại”, ông Dũng kết luận.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm