Thị trường hàng hóa
Theo WB, năm 2023, mức tăng trưởng của nhiều nền kinh tế ở gần "bờ vực suy thoái" mà nguyên nhân là chịu ảnh hưởng của tình trạng tăng lãi suất, giải pháp mà nhiều nước thực hiện để kiềm chế lạm phát, xung đột tại Ukraine tiếp diễn cùng với việc các nền kinh tế lớn của thế giới gặp nhiều khó khăn.
Tốc độ tăng trưởng chậm lại phần lớn xảy ra ở những nền kinh tế phát triển, trong đó, kinh tế Mỹ có thể chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm 2023. Ở châu Âu và Trung Á, tăng trưởng kinh tế được dự báo giảm tốc mạnh trong năm 2022 khi chỉ đạt mức 0,2% và dự kiến năm 2023 chỉ ở mức 0,1%. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do sự sụt giảm của kinh tế Nga trong cả 2 năm (2022 và 2023) và suy thoái sâu sắc trong năm 2022 của Ukraine. Nếu loại trừ 2 nền kinh tế này, tăng trưởng ở châu Âu và Trung Á dự báo sẽ tăng ở mức 2,1% trong năm 2023.
Kinh tế Trung Quốc năm 2023 sẽ phục hồi và tăng trưởng ở mức 4,3% từ mức tăng trưởng thực tế 2,7% trong năm 2022 do áp đặt các biện pháp phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt.
Về tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Nam Á năm 2023, WB dự báo sau khi phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022, tốc độ tăng trưởng ở Malaysia, Philippines và Việt Nam sẽ ở mức vừa phải do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường lớn chậm lại.
Theo đó, dự kiến tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,3%, của Philippines đạt 5,4%, Malaysia là 4%, Thái Lan đạt 3,6%. Với Indonesia, WB dự báo tăng trưởng đạt mức trung bình 4,9% trong 2 năm (2023-2024). Về khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, WB dự báo kinh tế đạt mức tăng trưởng 4,3% (năm 2022 đạt 3,2%) nhờ sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc.
Đáng chú ý, báo cáo của WB cũng lưu ý một số áp lực lạm phát bắt đầu giảm dần khi năm 2022 kết thúc, với giá năng lượng và giá cả hàng hóa thấp hơn, song việc gián đoạn nguồn cung mới vẫn ở mức cao và lạm phát kéo dài. Điều này có thể khiến các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất cao hơn mức hiện nay, làm trầm trọng thêm tình trạng tăng trưởng chậm của kinh tế thế giới.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm